Khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Xoài, thanh long, vải thiều… cùng hàng nghìn tấn nông sản của người dân nhất là các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã được kết nối tiêu thụ qua hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước.
Đây cũng là một trong những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương nhằm khơi thông thị trường, tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch.
“Xắn tay” cùng người dân tiêu thụ nông sản
Trong những ngày vừa qua, hơn năm mươi tấn trái vải tươi đã được đưa lên kệ bán phục vụ khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart ở khu vực phía Bắc.
Kế hoạch năm nay, Saigon Co.op vẫn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhà vườn phía Bắc tiêu thụ trái vải tươi, dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn hệ thống sẽ dao động trung bình từ 400 tấn và có khả năng vượt 500 tấn nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tiến triển khả quan.
quản lý thị trường hỗ trợ bắc giang tiêu thụ 3000 tấn vải
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Co.opmart), thông tin dù năm nay dịch diễn biến phức tạp nhưng Saigon Co.op đã sớm có phương án phối hợp thu mua, vận chuyển và phân phối trái vải để chủ động hỗ trợ đầu ra cho nông dân cũng như kịp thời phục vụ nhu cầu thưởng thức loại trái cây đặc sản này cho khách hàng cả nước.
“Vải thiều được Saigon Co.op thu mua trực tiếp từ thủ phủ trái vải sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng về các hệ thống phân phối của Saigon Co.op nên khách hàng sẽ được thưởng thức vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) với giá cả phải chăng,” ông Nguyễn Anh Đức cho hay.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Central Retail cho biết nhằm hỗ trợ người nông dân trồng vải thiều tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương, từ nay đến cuối mùa vải năm 2021, doanh nghiệp sẽ triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu thụ vải thiều.
Cụ thể, từ đầu tháng 6/2021, khi mùa vụ vải bước vào chính vụ, Central Retail sẽ dành những vị trí đẹp nhất trong tất cả các siêu thị GO!, Big C, Topmarket trên toàn quốc để trưng bày vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và vải Thanh Hà (Hải Dương).
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết đối với vải thiều Bắc Giang, để đưa trái vải đến khắp ba miền và đảm bảo những điều kiện phòng dịch tốt nhất, năm nay là năm đầu tiên hệ thống siêu thị GO! và Big C tổ chức kích cầu tiêu thụ trái vải trên nền tảng thương mại điện tử.
“Trên Fanpage và tại các siêu thị của Central Retail những ngày này luôn nhộn nhịp các thông tin truyền thông đến khách hàng có thể đặt hàng vải thiều online thông qua các kênh bán hàng cà qua kênh đối tác giao hàng uy tín như Tiki, GrabMart, NowFresh… Nhờ đó, dù chỉ mới bước vào chính vụ vải thiều ít ngày, Central Retail đã tiêu thụ hàng trăm tấn vải,” bà Vân nói.
Hiện nay, tại 42 siêu thị, đại siêu thị GO!, Big C, mini go!, Top markets đang dành những vị trí đẹp nhất để trưng bày giới thiệu những trái vải Bắc Giang có thương hiệu với đầy đủ thông tin, chứng nhận VietGap, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…
Ngoài bán vải tươi theo chùm, theo hộp, các kênh phân phối bán lẻ của Central Retail còn giới thiệu tới khách hàng một số món ăn và thức uống đang là xu hướng và được chế biến từ trái vải như: chè vải hạt sen, chè vải thạch rau câu, thạch trái vải, bánh Danish trái vải, bông lan kem sữa tươi vải thiều
Hơn 60% vải sớm tiêu thụ tại thị trường nội địa
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và trái cây của các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết địa phương đã phối hợp với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cung cấp danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm nông sản đến các siêu thị, cửa hàng trái cây, tiểu thương kinh doanh tại chợ trên địa bàn Thủ đô để chủ động kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Hà Nội cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa, bán không lợi nhuận, bố trí các khu vực thuận tiện mua sắm, đẩy mạnh đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử…
Để hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị đầu mối, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cung cấp hàng hóa bảo đảm nguồn gốc, chất lượng đồng thời khi đưa hàng về tiêu thụ tại thành phố Hà Nội phải chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021, các kênh phân phối siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 53.000 tấn hàng hóa nông sản từ các tỉnh và thành phố, với giá trị đạt 680 tỷ đồng.
Còn theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tổng cục đã phối hợp với VNPost, triển khai hỗ trợ bà con Bắc Giang tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
“Đây cũng là nội dung của ngành công thương triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch covid- 19” ông Trần Hữu Linh nói.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao tại thị trường nội địa.
Trước đợt dịch lần thứ 4 xảy ra, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các địa phương để chỉ đạo sở giao thông vận tải, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn xây dựng phương án vận tải hàng hóa thiết yếu; trong đó các mặt hàng nông sản theo từng cấp độ để chủ động ứng phó diễn biến của dịch…
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối, đặc biệt là nhà bán buôn, bán lẻ, tăng cường đẩy mạnh thu mua nông sản của các địa phương.
Qua báo cáo nhanh của Hải Dương và Bắc Giang cho thấy, với sản lượng tiêu thụ niên vụ vải sớm, đã có hơn 60% sản lượng vải được tiêu thụ trên thị trường nội địa.
“Vài ngày nữa sẽ là thời điểm quả vải thiều vào chính vụ thu hoạch, các đơn vị chức năng của bộ sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo trong việc phối hợp với các bộ, ngành, cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp từ xuất khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ và các chợ đầu mối tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trong đó có quả vải thiều,” ông Hoàng Anh Tuấn cho hay./.