– Đồi cam của gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút (xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái) được rất nhiều hộ dân học tập và làm theo để làm giàu.
Là một trong những gia đình trồng cam sớm nhất và thành công nhất, những vụ gần đây, bình quân mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thu hoạch 50 – 70 tấn cam, thu về 500 – 600 triệu đồng. Đồi cam của gia đình chị Chung được rất nhiều hộ ở Khe Bút học tập và làm theo để làm giàu.
Đồi cam của gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút (xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái) được rất nhiều hộ dân học tập và làm theo để làm giàu. |
Cách đây hàng chục năm, gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã đưa cây cam vào trồng thử nghiệm trên gần 1ha đất đồi. Ban đầu chỉ là những giống cam địa phương như cam sành, cam sen.
Nhờ chịu khó chăm sóc tốt nên vườn cam cho thu nhập ổn định hơn những cây trồng khác. Dần dần gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích và học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc các giống cam mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Hiện nay, gia đình chị Chung sở hữu trên 4ha cam các loại, trong đó có 2ha cam sành, 1ha cam đường canh, còn lại là cam sen và cam chanh. Bình quân mỗi năm gia đình chị thu hoạch khoảng 70 tấn quả, chưa trừ chi phí thu về 500 – 600 triệu đồng.
“Cây cam cho thu nhập rất là tốt, hai nữa là công chăm sóc thì nhàn hơn cây chè, vì vậy gia đình tôi đầu tư thêm. Một số hộ gia đình hội viên cũng đã chuyển đổi từ cây chè hoặc từ những diện tích trước đây chỉ có trồng cây ngô, cây khoai sang trồng cam”, chị Chung cho biết.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Nguyễn Thị Chung còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam cho các hộ lân cận. Chị không ngần ngại đến từng nhà để xem xét địa hình, chất đất để giúp xác định xem có phù hợp cho cây cam sinh trưởng và phát triển hay không rồi hướng dẫn cách đào hố, bón phân và chăm sóc như thế nào cho cây cam khỏe, ít sâu bệnh. Từ sự hướng dẫn của chị, cả thôn Khe Bút có 105 hộ thì có tới hơn 70 hộ trồng cam.
Ông Phùng Sinh Khoa, Trưởng thôn Khe Bút cho biết, một số hộ gia đình cũng có đất nhưng về kĩ thuật trồng thì cũng chưa có, gia đình nhà anh chị Chung thì cũng có rất nhiều những đóng góp với thôn vận động bà con, chỉ cho bà con những kĩ thuật trồng và chăm sóc cây cam rất tốt ở trong thôn.
Những lần xuống cơ sở, chị Chung đã khuyến khích hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế từ cây cam, nhất là áp dụng các phương pháp mới để cho ra các sản phẩm cam sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chị Hà Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Bút nói: “Cũng học tập được nhiều từ chỗ cô Chung, kinh tế từ cây cam có hiệu quả, thoát nghèo cho các chị em trong chi hội. Tôi cũng đưa ra với chị em là đất của mình rất ưa với cây cam nên cố gắng chăm sóc cho cây cam nó phát triển để kinh tế đạt hiệu quả, từ đấy chị em cũng xin vào sinh hoạt hội nhiều để học hỏi”.
Theo ông Phùng Sinh Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Minh An, hiện số gia đình hội viên phụ nữ của xã có thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm từ trồng cam lên đến gần 20 hộ.
“Gia đình đồng chí Chung là hộ gia đình điển hình trong xã, cũng là mô hình để cho chị em tham quan học hỏi. Xã chúng tôi cũng nhân rộng, để cho các tổ chức khác xem xét đưa hội viên mình đi đi vào học hỏi”, ông Phúc cho hay.
Từ những vườn cam nhỏ lẻ, xã Minh An hiện đã có tới 233 ha cam, mỗi vụ thu hoạch trên 1.500 tấn quả, thu về không dưới 20 tỷ đồng. Trong thành công đó có những đóng góp rất lớn của chị Nguyễn Thị Chung./.