Năm 1992, anh Toản rời quê hương Vĩnh Phúc lên Mai Sơn (Sơn La) lập nghiệp. Anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhận thấy giá trị kinh tế cao của bưởi Diễn, năm 2003, anh Toản lặn lội về xã Phú Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để học hỏi kinh nghiệm và mua giống bưởi đặc sản này về trồng ở vườn nhà. Nhờ công người cần cù chăm bón, 20 gốc bưởi Diễn ban đầu của anh Toản sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 4 năm, 20 cây đồng loạt ra hoa, kết quả. Vườn bưởi Diễn của gia đình anh cây nào, cây nấy cũng sai trĩu quả, có cây oằn cả cành.
Vườn bưởi Diễn bán Tết của anh Toản có hơn 100 gốc. Cây nào cây nấy đều treo vàng rực những quả bưởi mắt mắt.
“Năm đầu thu hoạch, tôi thấy quả bưởi to, múi đều, mọng nước, ăn ngon, ngọt không kém bưởi trồng ở đất Phú Diễn là mấy. Khách hàng mua ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon. Thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các giống cây trồng khác, vì vậy mỗi năm tôi chiết cành nhân rộng vườn bưởi Diễn. Đến nay, tôi có tổng số hơn 100 gốc…” – anh Toản vui vẻ nói.
Vườn bưởi Diễn bán dịp Tết của anh Toản, cây nào cũng sai trĩu quả, mẫu mã đẹp.
Anh Toản cho biết: Xét về chất lượng thì bưởi Diễn trồng ở vùng đồi núi không đạt 100% như trồng ở đồng bằng. Bù lại, bưởi Diễn trồng ở đây lại có ưu điểm là hàng năm ra quả đều đặn hơn hẳn so với dưới xuôi. “Từ khi bén duyên với bưởi Diễn đến nay, chưa năm nào gia đình tôi thất thu cả. Năm nào vườn bưởi của gia đình cũng sai trĩu quả. Mỗi cây cho từ 100 -150 quả, thậm chí có cây lên đến 200 quả. Cái hay của bưởi Diễn là thường chín rộ vào những ngày đầu tháng Chạp nên đáp ứng được nhu cầu sử dụng bưởi trong dịp Tết của người dân…” – anh Toản cho hay.
Từ hơn 100 gốc bưởi diễn, mỗi năm anh Toản thu hơn 300 triệu đồng
Để vườn bưởi của gia đình phát triển tốt, cho quả đều đặn, anh Toản bón phân NPK kết hợp phân ka li 3 lần/năm, với liều lượng hợp lý từng thời kỳ sinh trưởng của cây bưởi. Ngoài ra, anh Toản còn chăm bón vườn bưởi bằng chế phẩm nông nghiệp. Anh lấy bột ngô trộn với bột đậu tương và đem ngâm nước một thời gian nhất định, sau đó dùng để tưới cho hơn 100 gốc bưởi 2 lần/năm. “Bột đậu tương và bột ngô ngâm nước tạo ra nước tưới cực kì tốt cho cây bưởi. Làm cách này không những tăng thêm chất dinh dưỡng cho bưởi ra lộc, nuôi quả mà còn tăng thêm độ ngọt của bưởi và hạn chế được sâu bệnh tấn công…” – anh Toản tiết lộ.
Anh Toản cho biết, nhiều khách hàng đã đặt mua bưởi Diễn của anh để dùng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, anh Toản cho biết: Khâu phòng trị sâu bệnh trên cây bưởi rất quan trọng. Thời kì bưởi ra lộc thường xuất hiện sâu vẽ bùa. Còn thời kì bưởi ra quả non lại hay xuất hiện bọ trĩ, nhện đỏ. Tùy từng loại sâu bệnh mà có biện pháp xử lý phù hợp. “Tôi không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học mà dùng các chế phẩm sinh học để phun diệt trừ sâu bệnh phá hoại vườn bưởi. Nhờ đó, bưởi của gia đình luôn đảm bảo ngon và sạch, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng…” – anh Toản thông tin.
Theo anh Toản, cây bưởi Diễn khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Mai Sơn
So với bưởi thường thì giá bán bưởi Diễn cao hơn hẳn bởi chất lượng của giống bưởi đặc sản này thơm, ngon, ngọt hơn. Mấy năm gần đây, anh Toản thường bán bưởi với giá dao động từ 25 – 30.000 đồng/quả, thu hơn 300 triệu đồng từ hơn 100 gốc bưởi diễn. Năm nay cũng không ngoại lệ vì hơn 100 gốc bưởi Diễn của anh cây nào, cấy nấy cũng trĩu quả, chín vàng rực cả khu vườn. Tết này, anh Toản lại rủng rỉnh tiền tiêu nhờ vườn bưởi.