(Dân Việt) Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) từng được mệnh danh là “vùng đất chết”, nhưng kể từ khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), thành lập HTX nông nghiệp và phát triển trồng cây có múi theo hướng hữu cơ, nơi đây đã xuất hiện nhiều tỷ phú, nông dân sản xuất giỏi.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Vĩnh Cửu thuộc địa phận Chiến khu Đ, đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn.
Dám nghĩ, dám làm
Đến thăm HTX Bình Minh, nghe Giám đốc Hà Thắng kể câu chuyện làm giàu mới hiểu được những nỗ lực phi thường của người dân và chính quyền nơi đây trong việc vượt lên gian khó, chăm chỉ làm ăn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… vào sản xuất nông nghiệp.
Anh Thắng cho biết, trước kia đồng bào dân tộc Chơ Ro ở đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề rừng, cuộc sống du canh du cư rất bấp bênh, nghèo khó. Sau này bà con đã biết cải tạo đất để trồng điều nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Được sự khuyến khích của địa phương và Hội Nông dân xã, nhiều hộ đã vay vốn để chuyển đổi diện tích điều kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng các loại cây có múi như quýt, cam, bưởi…
Mô hình trồng quýt của HTX Bình Minh – điểm sáng kinh tế nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu. ảnh: Nguyễn Quỳnh
Để hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, anh Thắng đã đứng ra thành lập CLB cây trồng có múi xã Phú Lý, gồm 10 thành viên. Sau đó, được huyện, xã hỗ trợ nên CLB đã phát triển lên thành HTX gồm 14 hộ xã viên, với tổng diện tích canh tác gần 50ha.
Hiện HTX Bình Minh sản xuất 3 loại nông sản chủ lực là quýt đường, cam sành và bưởi da xanh, trong đó quýt đường chiếm nhiều nhất với 20ha. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích cây trồng này đều tuân thủ theo quy trình canh tác hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học.
“Bắt đầu từ chuyện khi mình có một ít quýt mang tặng bạn bè, gần như ai cũng hỏi có phun thuốc không thì mình mới nhận ra rằng, người tiêu dùng rất sợ những sản phẩm không an toàn. Chính vì thế mình quyết định tìm hiểu và chuyển sang làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đến nay đã được 6 năm rồi” – anh Thắng tâm sự.
Anh Thắng thừa nhận, bản thân anh cũng như các xã viên khác đều đã từng làm nông nghiệp một cách tùy tiện, biết đến đâu làm tới đó, không tuân theo một quy trình sản xuất nào. Khi tham gia HTX, có sự đúc rút, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông nên trình độ canh tác đã được nâng cao, thay đổi theo hướng hiệu quả và an toàn hơn.
Đồng lòng theo đuổi nông nghiệp sạch
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Văn Minh (ở ấp Cây Cày, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: Là một nông
Nhờ bám sát chủ trương của xã để “mần ăn” đúng hướng nên vài năm trở lại đây, doanh thu các xã viên đều tăng từ 35-40%. Ngày xưa có mơ cũng không dám nghĩ tới, mà nay có những hộ thu nhập cả tỷ đồng”. Anh Hà Thắng |
dân trong HTX Bình Minh đã chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang thực hiện quy trình hữu cơ, bản thân tôi và các xã viên không chỉ có những thay đổi tích cực trong tư duy, mà còn ứng dụng vào sản xuất hàng ngày. Cam, quýt và các loại cây ăn quả có múi nói chung khi vào mùa mưa thường bị dịch bệnh rất nhiều, bà con hay sử dụng thuốc hóa học để xịt.
Thông thường, mỗi năm quýt cho thu 1 vụ, nếu may trúng giá thì lãi khá, nếu rớt giá thì coi như lỗ vốn. Nhưng bây giờ các xã viên chỉ dùng các loại thuốc BVTV làm từ thảo mộc, bón phân hữu cơ vi sinh để giúp cây kháng bệnh và phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, sản phẩm an toàn.
“Trước hết, chính người trực tiếp sản xuất được hưởng lợi khi không phải tiếp xúc với các chất hóa học độc hại, thứ hai là giảm được rất nhiều chi phí đầu tư. Tuy có vất vả và thời gian thu hoạch dài hơn, nhưng cây trồng của mình sẽ bền, thu hoạch được lâu năm hơn. Đặc biệt cây cho trái quanh năm, thu hoạch nhiều đợt nên bớt lo dư thừa” – ông Minh chia sẻ.
“Tuy nhiên, cái khó của người nông dân hiện nay là làm ra sản phẩm sạch nhưng chưa biết cách nói lên hay chứng minh được cái sạch của mình. Một số người tiêu dùng hiểu được điều này, nhưng còn rất nhiều người không hiểu nên chúng tôi cũng có một phần thiệt thòi. Nhưng dù khó, chúng tôi vẫn không từ bỏ mà theo đuổi đến cùng” – ông Minh nói.
Ông Phạm Minh Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, để hỗ trợ bà con nông dân và xã viên theo đuổi mô hình nông nghiệp sạch, chính quyền địa phương đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ hệ thống tưới tự động cho người dân. Huyện cũng phối hợp Sở Công Thương kết nối tiêu thụ sản phẩm của HTX tại chợ đầu mối và một số cửa hàng trên địa bàn. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp huyện đang cùng người dân xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm bằng hệ thống tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đến nay đã cơ bản hoàn thành khoảng 60-70%.
Theo anh Hà Thắng, hiện nay cam, quýt của HTX Bình Minh cho năng suất trung bình 50-60 tấn/ha/năm. Trên cơ sở đặt hàng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng… HTX đang cố gắng hợp tác với đội kỹ thuật để xử lý giúp cây cho thu hoạch trái vụ, tiếp tục nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.