Tân Kỳ là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm gần đây, đời sống của người dân Tân Kỳ được cải thiện rõ rệt. Có được kết quả đó phải kể đến vai trò quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng. Điển hình trong số đó là già làng Trương Viết Văn, ở bản Trung Lương, xã Tân Xuân.
Trung Lương từng là bản đặc biệt khó khăn của xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ-nơi sinh sống của 213 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thổ chiếm 96%. Nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng bấp bênh, nên cái đói cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nhiều người thường quen gọi nơi đây là “bản khó”.
Già làng Trương Viết Văn (bên trái) trao đổi, hướng dẫn bà con trong bản kỹ thuật trồng, chăm sóc mía. |
Năm 2013, được bà con tín nhiệm chọn làm già làng, ông Văn luôn trăn trở làm thế nào để đời sống của người dân được nâng lên, bộ mặt thôn xóm được đổi thay. Ông tâm niệm, muốn dân tin và làm theo, trước hết mình phải nói được, làm được. Bởi vậy, khi xã Tân Xuân có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình ông cùng con cháu tiên phong thực hiện, nhận những vùng đất khó để đẩy mạnh sản xuất, áp dụng kỹ thuật. Việc làm đó của gia đình ông khi đạt hiệu quả cao đã được các hộ dân trong bản học tập, làm theo. Từ kết quả này, trên diện tích 165ha của bản được dồn điền, cải tạo thành vùng tập trung chuyên canh trồng mía, bà con dễ dàng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, canh tác, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Năm 2018, trong khi năng suất mía bình quân toàn huyện Tân Kỳ chỉ đạt 60 tấn/ha, thì bản Trung Lương đạt gần 90 tấn/ha. Không dừng lại ở đó, ông Văn còn đi đầu cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh, trồng cây ăn quả, nhằm cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập. Ông đến từng nhà vận động bà con cùng thực hiện. Để bà con tin, làm theo, ông giới thiệu địa chỉ các mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả cao trong xã, huyện, để bà con đến tham quan học tập. Trước thực tế mỗi năm bà con chỉ tập trung sản xuất nông nghiệp hai tháng chính vụ, những tháng còn lại không có việc làm nên ông tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con kết hợp trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập và tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp. Nhờ tâm huyết, trách nhiệm vì dân bản, già làng Văn đã nhận được bà con tin tưởng, nể phục.
Già làng Trương Viết Văn (bên phải) trao đổi, hướng dẫn bà con bản kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. |
Ông Trương Văn Toại, người dân bản Trung Lương bày tỏ: “Già làng Văn rất gần gũi với bà con. Những gì người dân chưa hiểu, ông giải thích cặn kẽ, tuyên truyền kịp thời. Cũng nhờ già làng Văn hướng dẫn, giúp đỡ mà hiện nay gia đình tôi có vườn bưởi sai quả, hàng trăm con gà và nuôi trâu bò sinh sản, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng”.
Đến nay, hầu hết các hộ dân ở Trung Lương đều biết cách trồng trọt kết hợp với chăn nuôi trâu bò, dê, lợn, gà, vịt… để tăng thu nhập. Kinh tế phát triển, đời sống bà con được nâng lên, ông Văn lại tuyên truyền, vận động bà con chung sức xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hóa đường liên thôn, Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân hiến đất mở rộng đường và đóng góp ngày công. Ban đầu một số hộ dân không đồng tình bởi theo họ, nếu hiến đất thì không đóng góp các khoản khác. Để người dân đồng thuận, ông Văn đến từng gia đình tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ ý nghĩa cũng như trách nhiệm của mỗi gia đình trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bà con trong bản tự nguyện hiến hơn 4.500m2 đất, đóng góp hơn 370 triệu đồng để “cứng hóa” 1,2km đường và rải cấp phối một số đoạn đường giao thông. Từ hiệu quả và sự đổi thay rõ rệt đường làng, ngõ xóm, nhân dân bản Trung Lương thêm đồng thuận, đóng góp 210 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa. Già làng Trương Viết Văn bảo: “Muốn dân tin, trước hết bản thân mình phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Bản thân già làng, trưởng bản, cán bộ, đảng viên phải là đầu tàu gương mẫu trong mọi phong trào cũng như các khoản đóng góp, ủng hộ”.
Với cách làm của già làng Văn và sự nỗ lực quyết tâm của bà con dân bản, hiện bản Trung Lương đã vươn lên tốp đầu của xã Tân Xuân trong phát triển kinh tế. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 16,7% nay giảm xuống 3,7%; hơn 82% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Bản Trung Lương đã được công nhận là bản văn hóa.
Những năm qua, gia đình già làng Trương Viết Văn được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, bản thân ông được cấp trên ghi nhận, tặng nhiều giấy khen, bằng khen, là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018. Ông Lê Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân khẳng định: “Già làng Trương Viết Văn được bà con tín nhiệm, suy tôn đã nhiều năm. Ông luôn phát huy tối đa vai trò già làng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp bà con dân bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tham gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, bản Trung Lương đã vươn lên tốp đầu về mọi mặt của xã Tân Xuân và góp phần quan trọng giúp xã Tân Xuân đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018. Đây cũng là xã vùng 135 đầu tiên của huyện Tân Kỳ đạt chuẩn nông thôn mới”.
Tận tâm với công việc, nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, già làng Trương Viết Văn-người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tân Kỳ đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, sự đổi thay của bản Trung Lương nói riêng và xã Tân Xuân nói chung. Bức tranh quê hương không ngừng đổi thay, bà con càng phấn khởi vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Bản Trung Lương trở thành điểm sáng để các địa phương trong xã, huyện học tập, làm theo. Thành công đó có đóng góp tích cực, hiệu quả của già làng Trương Viết Văn.