KỸ THUẬT CHUẨN TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG – VIỆN CÂY GIỐNG TW

BÍ QUYẾT TRỒNG SẦU RIÊNG SAI QUẢ THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP

Hướng dẫn trồng cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VIETGAP. Cách chăm sóc cây từ giai đoạn cây non đến giai đoạn cây trưởng thành và thu hoạch.

Hướng dẫn kĩ thuật trồng cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VIETGAP.

  • Giới thiệu một vài đặc tính cây sầu riêng .
  • Điều kiện yêu cầu khi trồng sầu riêng.
  • Yêu cầu về giống.
  • Mật độ khoảng cách trồng.
  • Chuẩn bị hố trồng.
  • Cách trồng sầu riêng.
  • Kĩ thuật chăm sóc cây sầu riêng.
  • Bón phân.
  • Tỉa cành tạo tán.
  • Phòng trừ sâu bệnh.

Giới thiệu một vài đặc tính cây sầu riêng .

  • Cây sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới rất được ưa chuộng ở các nước Đông Nam Á.
  • Do yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng cao hơn, các nước như Mã Lai và Thái Lan tập trung nghiên cứu và phát triển cây sầu riêng từ nhiều năm trước đây.
  • Nhờ có phương hướng phát triển rõ ràng, Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng đi nhiều nước và có rất nhiều tiến bộ về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng.
  • Tại Việt Nam, cây sầu riêng đã phát triển từ lâu, được quan tâm và đầu tư phát triển trong thời gian gần đây một số giống sầu riêng trồng nhiều ở Việt Nam như giống sầu riêng Ri6,giống sầu riêng Monthong Thái Lan
  • Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu được trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Điều kiện yêu cầu khi trồng sầu riêng.

  • Sầu riêng là cây ưa khí hậu nóng, độ ẩm không khí cao.
  • Không ưa với khí hậu nóng và khô hanh.
  • Lá là nơi dự trữ thức ăn chính của cây nên khi lá rụng là cây suy yếu và chết.
  • Trong giai đoạn chín mà mưa nhiều thì thịt trái sẽ nhão.
  • Cây có thể phát triển và sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là đất thịt, thoát nước tốt, độ dốc không quá 300, gần nguồn nước tưới.
  • Không chịu đất phèn, mặn và úng, phát triển kém trên đất sét nặng.
  • Cây sầu riêng không chịu được gió mạnh vì là loại thân gỗ yếu và có bộ rễ nông.

Yêu cầu về giống sầu riêng

  • Trồng sầu riêng bằng cây ghép mắt hoặc ghép cành.
  • Cần trồng ít nhất 2 giống trên vườn để sự thụ phấn chéo xảy ra làm đậu trái sầu riêng tốt hơn.

Mật độ khoảng cách trồng sầu Thái

Tuỳ theo tình hình thực tế mà ta trồng thuần hay trồng xen giống

  • Nếu trồng thuần: 125 cây – 156 cây/ha ( 8m x 8 –10m/cây)
  • Nếu trồng xen: 70 cây – 100 cây/ha (10m x 12m/cây)

Chuẩn bị hố trồng

  • Kích thước hố: Đất tốt thì 60 x 60 x 60cm; Đất xấu thì 70 x 70 x 70cm.
  • Bón lót: 15 – 20kg hữu cơ + 0,5kg super Lân + 200g NPK 16-16-8/hố,
  • Đặt 10-20g Diazinon (Basudin 10G), Carbofuran (furadan 3G),… để trừ mối, dế, kiến và sâu đất.

Cách trồng sầu riêng

  • Đảo trộn hỗn hợp đất và phân sau đó lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày.
  • Moi giữa hố 1 lỗ vừa bịch cây con.
  • Xé bỏ bầu sao cho không bị vỡ bầu.
  • Đặt cây vào hố trồng, lấp đất ngang mặt bầu cây con.
  • Những nơi đất cao, sườn dốc, nên trồng âm sâu hơn mặt đất.
  • Lấp kín mặt bầu, dậm chặt.
  • Cắm cọc và buộc giữ cây con khỏi đổ ngã.
  • Vun mu rùa xung quanh gốc cây chống đọng nước.
  • Sau đó phủ kín cỏ rác để giữ ẩm cho cây.

khoang cach trong buoi da xanh 4x5 m

Kĩ thuật chăm sóc cây sầu riêng

Chăm sóc cây con

  • Sau trồng cần che bóng cho cây con và không che quá 50% ánh sáng.
  • Cần tưới nước thường xuyên khi trời nắng hạn để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây khoẻ mạnh, nhanh cho trái.
  • Đầu mùa khô cần tủ cỏ rác xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây.
  • Bón phân năm đầu: Hữu cơ + 0,3kg N:P:K:Mg 18:11:5:3 và chia ra 4 lần bón trong một năm.

Bón phân.

Giai đoạn cây con cần bón 5- 10kg phân hữu cơ/năm, kết hợp với phân vô cơ có lượng đạm cao như: 16-16-8, 20-20-15, và tăng dần ở những năm đầu cho trái.

Liều lượng và số lần bón như sau

Tuổi cây Lượng phân (kg/cây/năm) Số lần bón/năm
1 0,3 4
2 0,6 4

Giai đoạn cây cho trái ổn định thì bón 3 lần như sau:

  • Lần 1: Sau thu hoạch tỉa cành, bón 10- 20kg phân hữu cơ, kết hợp bón 5- 6 kg phân vô cơ/cây.
  • Lần 2: Trước ra hoa 30-40 ngày cần bón thúc ra hoa 2-3kg phân NPK có hàm lượng lân cao như: NPK 10-50-17 và tưới nước cách ngày.
  • Lần 3: Khi trái to bằng trái chôm chôm thì bón 2- 3kg phân NPK có hàm lượng kali cao như: NPK 12-12-17 kết hợp tưới nước.

Ngoài ra có thể sử dụng phân bón qua lá để góp phần tăng năng suất và phẩm chất trái.

Trồng cây chắn gió, che bóng, trồng xen che phủ đất:

  • Trồng các loại cây chắn gió và che bóng như : Keo lai, xà cừ…..
  • Không nên trồng xen các loại cây ký chủ của nấm Phytophthora. Như: Đu đủ, Dứa, Ca cao . . .

Tỉa cành, tạo tán

Tỉa bỏ các cành

  • Cành mọc từ gốc ghép, mọc đứng.
  • Cành ốm yếu và chỉ để một ngọn.
  • Cành bị sâu bệnh.
  • Cành mọc gần mặt đất, chỉ để cành thấp nhất mang trái trên 1 mét.
  • Cứ một vị trí trên thân chỉ để 1 cành (tránh bị tét).
  • Khoảng cách các cành khi cây còn nhỏ là 10cm, cây lớn 30cm.

Giữ lại cành

  • Mọc ngang, ở độ cao hợp lý, phân bố đều các hướng, cành khoẻ mạnh.

Tỉa hoa, trái

  • Trước 30 ngày sau khi đậu trái cần tỉa bỏ bớt hoa.
  • Các loại trái cần tỉa bỏ như: mọc dày, méo mó, sâu bệnh.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Các loại sâu gây hại chính

 Rầy phấn (Allocaridara malayensis Crawford):

Cách gây hại:

  • Đây là đối tượng gây hại rất quan trọng trên cây sầu riêng, trưởng thành và ấu trùng thường sống ở mặt dưới lá và chích hút các lá non, lá bị hại thường có những chấm vàng, khi bị hại nặng lá thường khô, cong lại và rụng hàng loạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa, đậu trái của cây.
  • Ngoài ra, rầy còn tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện để nấm bồ hóng phát triển. Rầy phát triển mạnh vào các tháng nắng.

Phòng trị: 

  • Khi lá non vừa ra thường xuyên phun nước để làm giảm mật số trưởng thành của ấu trùng, điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để dễ trừ rầy.
  • Khi mật độ rầy cao dùng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: Fenobucarb, Dimethoate, Cypermethrin (Bassa 50EC, Bitox 40EC, Cyper 25EC, …) để phun.

Rệp sáp Planococcus sp.):

Cách gây hại: 

  • Loài này gây hại khá phổ biến trên sầu riêng, chúng tấn công trên trái từ khi trái còn non, rệp sáp trong quá trình gây hại còn tiết ra mật đường tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển làm giảm giá trị thương phẩm của trái.

Phòng trị: 

  • Thường xuyên thăm vườn kiểm tra; phun nước vào trái có thể rửa trôi rệp sáp trên trái, tỉa bỏ những trái non bị nhiễm nặng, không nên trồng xen cây cà phê, mãng cầu trong vườn; mật độ gây hại cao dùng các loại thuốc có hoạt chất như: Methidathion, Acephate (Supracide 40EC, Monster 40EC,…) để phun.

Sâu đục trái (Conogethes Punctiferalis):

Cách gây hại: 

  • Con cái trưởng thành đẻ trứng trên vỏ trái non, sâu non nở ra thường ăn ở phần vỏ sau đó đục vào trong trái.
  • Sâu gây hại từ khi trái còn non đến trưởng thành, đặc biệt gây hại nặng trên các chùm trái hơn là các trái đơn độc, trái non bị hại sẽ biến dạng và rụng, trái lớn bị hại sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm và còn tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công theo vết đục làm thối trái.

Phòng trị: 

  • Thường xuyên kiểm tra để phát hiện quả bị sâu, đem tiêu hủy quả bị gây hại nặng và bị rụng, dùng túi chuyên dùng để bao trái, cắt tỉa trái sáu, trái phát triển kém, khi mật độ gây hại cao dùng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: Diazinon, Nereistoxin (Dimehypo) (Basudin 40EC, Netoxin 18SL,….)

Nhện đỏ (Eutetranychus sp.)

Cách gây hại:

  • Thành trùng có hình oval dẹp màu đỏ đến đỏ nâu, thành trùng sống 6-7 ngày, nhện đẻ từng trứng rải rác trên mặt lá, trứng nhện hình tròn màu đỏ.
  • Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm ở vùng nhiệt đới, khả năng sinh sản cao, vòng đời ngắn, gây hại bằng cách ăn biểu bì mặt lá tạo thành những chấm trắng li ti và tiết độc tố. Khi bị nhiễm nặng lá chuyển màu vàng và rụng ảnh hưởng đến khả năng ra hoa và đậu trái của cây.

Phòng trị:

  •  Phun nước lên lá tạo độ ẩm trong mùa nắng sẽ làm giảm mật độ nhện, đồng thời tạo điều kiện cho thiên địch có lợi phát triển. Khi mật độ cao dùng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: Hexythiazox, Propargite, Dicofol (Nissorun 5EC, Comite 73EC, Kelthane 18,5EC,…) để phun.

 Các bệnh gây hại chính

Bệnh thối gốc chảy nhựa (do nấm Phytophthora Palmivora):

Triệu chứng: 

  • Đây là bệnh hại rất quan trọng trên sầu riêng. Tác nhân do nấm Phytophthora Palmivora gây hại, nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước, trong các bộ phận bị bệnh của cây sầu riêng.
  • Nấm tấn công phần rễ non gần mặt đất và lan dần đến phần vỏ của gốc sát mặt đất và di chuyển lên phần vỏ của thân cây làm vỏ cây biến thành màu nâu, sau đó vỏ cây bị thối và chảy nhựa ra, phần gỗ tại vết bệnh cũng hóa nâu.
  • Đôi khi nấm còn tấn công các cành phía trên cao của cây sầu riêng.
  • Bệnh thường xảy ra trong mùa mưa và dễ dàng gây hại trong các vườn trồng dày có tán lá rậm rạp, chăm sóc kém.
  • Nấm bệnh còn tấn công trên trái làm thối trái hàng loạt và trên lá sầu riêng nhất là trên các lá non ở các cành gần mặt đất.
  • Trong mùa mưa nếu không kiểm soát và quản lý vườn cẩn thận thì nấm sẽ tấn công trên lá và trái, đây là nguồn lây lan rất quan trọng của bệnh tại vườn sầu riêng.

Trị bệnh:

  • Khi cây bị bệnh nên cạo sạch phần bệnh, sau đó bôi thuốc BVTV có hoạt chất như: Fosetyl Aluminium, Metalaxyl 8% + Mancozeb 64%, Metalaxyl….
  • Kết hợp với phun xịt với một trong các loại thuốc trên; bơm thuốc BVTV có hoạt chất Phosphorous acid với chế độ nước, dinh dưỡng đầy đủ.

Bệnh thán thư (Do nấm Collectotrichum Zibethinum):

Triệu chứng:

  • Bệnh này khá phổ biến trên cây sầu riêng, vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá hay từ chóp lá lan dần vào trong phần phiến lá có màu nâu đậm.
  • Vết bệnh điển hình là để lại các đường viền hình tròn có màu nâu đậm dọc hai gân chính.
  • Thường bệnh xuất hiện trên cây kém phát triển, nhất là trong mùa nắng hay sau khi thu hoạch.
  • Bệnh thán thư thường chỉ xuất hiện trên lá già.

Phòng trị:

  • Cắt bỏ đem tiêu hủy lá bệnh.Bón phân, tưới nước đầy đủ. Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất: Metalaxyl 8% + Mancozeb 64%, Propineb, Carbendazim, Thiophanate – Methyl….

Bệnh đốm rong (do nấm cephaleuros virescens):

Triệu chứng: 

  • Bệnh đốm rong rất phổ biến và tấn công trên nhiều loại cây ăn quả khác nhau, thường bệnh tấn công trên lá và các cành cây ở các vườn sầu riêng chăm sóc kém.
  • Vết bệnh có hình tròn màu gạch tôm đường kính từ 0,2-1cm và hơi nhô lên, nếu nhìn kỹ thấy nhiều sợi tơ trên vết bệnh thường xuất hiện ở mặt trên của lá, rong hút dinh dưỡng và làm lá kém phát triển, giảm quang hợp.
  • Bệnh còn tấn công trên cành cây vết bệnh cũng tương tự như trên lá, làm cành non bị nứt ra, vị trí nứt này cũng dễ nhiễm các loại nấm khác, đặc biệt là nấm Phytophthora palmivora trong mùa mưa.

Phòng trị

  • Tạo vườn cây thông thoáng, phun các loại thuốc có chứa gốc đồng như: Zineb 20% + Bordeaux 45% + Benomyl 10%, Copper Hydrocide, Copper Oxychloride, …

Bệnh cháy lá chết ngọn (do nấm Rhizoctonia sp):
Triệu chứng:

  • Đây là nấm gây bệnh khá quan trọng cho cây sầu riêng ở cả giai đoạn vườn ươm và cây trưởng thành.
  • Vết bệnh xuất hiện ban đầu là những đốm màu nâu sũng nước, sau đó lan rộng dọc theo hai mép lá làm cho lá không phát triển được và co dúm lại cuối cùng lá khô và rụng, cành non cũng khô dần và chết cả cây.
  • Trên cây trưởng thành bị nhiễm làm lá non bị khô và rụng; chết ngọn, cành và nhánh nhỏ, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất.
  • Thường bệnh xuất hiện và phát triển mạnh trong mùa mưa.

Phòng trị:

  • Thoát nước vườn ươm tốt, không quá rậm rạp.
  • Không đặt cây con dưới tán cây lớn.
  • Thu dọn, tiêu hủy (các phần cây bị bệnh, tránh lây lan).
  • Tỉa cành tạo tán thông thoáng.
  • Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất như: Hexaconazole, Difenoconazole 150g/l + Propiconazole 150g/l, Carbendazim….

Bệnh nấm hồng (do nấm corticium salmonicolor):

Triệu chứng:

  • Nấm bệnh thường tấn công trên các cành cây.
  • Nấm thường tạo một lớp tơ, nấm lúc đầu có màu vàng trắng đục sau đó chuyển sang màu hồng nhạt phát triển xung quanh vỏ cành cây, nấm hút dinh dưỡng làm vỏ cành chỗ bị hại khô và rụng lá cả cành, cuối cùng làm cành chết khô.

Phòng trị:

  • Tỉa cành thông thoáng, cắt bỏ tiêu hủy nhánh bị bệnh nặng, sử dụng thuốc BVTV như: Copper Hydrocide (Champion77WP), Validamycin A (Validamycin 3DD), Hexaconazole (Anvil 5SC)…

Bệnh thối hoa (do nấm Fusarium sp):

Triệu chứng: 

  • Hoa bị bệnh tấn công có màu nâu đen vết bệnh hơi lõm xuống.
  • Nấm tấn công trên 2 mảnh vỏ bao quanh hoa sầu riêng, sau đó lan dần vào trong phần cánh hoa và làm hoa thối và rụng đi.

Phòng trị:

  • Tỉa cành, tạo tán cho cây và vườn cây thông thoáng, nên tỉa bớt và để các hoa trên cành thưa và rời nhau, làm vệ sinh và tiêu hủy các hoa nhiễm bệnh rơi rụng dưới tán cây.
  • Phun thuốc khi hoa chuẩn bị nở như: Zineb 20% + Bordeaux 45% + Benomyl 10%, Zineb 25% + Bordeaux 60%, Benlate, Iprodione (Rovral, Hạt vàng 50WP).

Nguồn tin: khuyennonglamdong

Tin Liên Quan