Điều lạ này khiến chúng tôi phải cất công tìm về xã Lát, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, vùng đất hiền hoà nằm dưới chân ngọn núi Lang Biang hùng vĩ, để tìm hiểu.
Vạn sự khởi đầu nan
Người được xem là trồng cà chua thân gỗ đầu tiên và nhiều nhất tại thôn Đạ Nghịt (xã Lát) là anh Liên Hót Săm. Hơn 1 năm trước, anh Săm trồng gần 1.000 cây và hiện nay một nửa đã ra quả.
Nông dân Liên Hót Săm và cà chua thân gỗ vườn nhà
Theo anh Săm, thời điểm đó, để trồng được 1 cây Magic-S, anh phải đầu tư hết khoảng 200.000 đồng. Để chắc ăn, anh lặn lội xuống tận TP. Bảo Lộc, tìm đến cơ sở sản xuất giống Magic-S, nơi được khuyến cáo là địa chỉ duy nhất nuôi cấy mô từ kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Phạm S, để mua cây giống.
“Cà chua thân gỗ trồng và chăm sóc tương đối dễ, đúng như ông cha dạy: “Nhất nước, nhì phân” (phân chuồng để bón gốc) và đặc biệt gần như không cần phải thuốc thang gì. Khoảng 12 tháng sau thì cây cho trái”, anh Săm cho biết.
Khoảng tháng 5-6 vừa rồi, cây bắt đầu ra trái và có một số công ty đến mua với giá 150.000 – 200.000đ/kg. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, mới bán được ít chuyến thì người mua không quay lại. Đến tháng 7-8 mưa nhiều, trái rụng đỏ gốc, bất lực, nhiều người bỏ “cù bơ, cù bất”.
Không nản chí, anh Săm vẫn quyết chăm chút cho cây, chờ thời. Rồi trời cũng thương, cách đây hơn 1 tháng, nhân viên Công ty LangBiang tìm tới mua Magic-S. Tuy giá thấp hơn trước (bình quân khoảng 50.000đ/kg), nhưng mua đều đặn, tuần hái 2 lần, mỗi lần trên dưới 100kg, nên hiện giờ Magic-S vườn nhà anh Săm và các hộ dân ở Đạ Nghịt không kịp chín để bán.
Doanh nghiệp mua Magic-S lại, người dân bắt đầu trồng xen cây mới
Còn tại xã Đa Chais (huyện Lạc Dương), cà chua thân gỗ được một nhóm hộ người đồng bào bào K’Ho trồng từ tháng 10/2017, với diện tích 1,5 ha và đến nay cũng đã cho thu hoạch.
“Tuy là lứa trái bói nhưng cũng có những cây cho hơn 180 quả. Trung bình khoảng 18-22 quả/1kg. Trời thương là từ khi có trái, Công ty LangBiang bao tiêu sản phẩm và thu mua ổn định 400kg/tuần với giá 50.000 đ/kg nên bà con rất phấn khởi”, bấm đốt ngón tay, ông Đagu Ha Tiên, cho biết.
Không đủ Magic-S để bán
Theo tìm hiểu của PV, ngoài anh Săm, tại thôn Đạ Nghịt còn có khoảng 10 hộ dân khác cũng trồng cà chua thân gỗ nhưng vì bước đầu thăm dò nên ít, chỉ từ 50-100 gốc. Khi cà chua chín không có người mua, bà con chán nản bỏ bê không chăm sóc. Giờ có người mua lại, mới “hà hơi tiếp sức”, nên trái không nhiều.
Theo tính toán của anh Săm, nếu công ty mua với giá 50.000đ/kg và mua đều đặn là bà con nông dân đã có lãi hơn rất nhiều so với các cây trồng khác, nên sẽ yên tâm phục hồi và phát triển Magic-S, vì chăm sóc tương đối dễ.
Công ty nông sản LangBiang đưa cà chua thân gỗ vào siêu thị với giá trị thực của nó nên được người tiêu dùng chấp nhận
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Lâm Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nông sản LangBiang, đơn vị đang thu mua cà chua thân gỗ cho bà con ở huyện Lạc Dương kể, trong lần về kiểm tra nhà máy chế biến cà phê của công ty tại Lạc Dương, hay tin bà con trồng được cà chua thân gỗ, một loại trái cây rất giàu dinh dưỡng, nhưng bán không được nên rất xót xa.
Nhờ có sẵn kênh phân phối, nên chúng tôi mạnh dạn đứng ra thu mua cho bà con Lạc Dương với số lượng giao động từ 1-1,5 tấn/tháng. Nhờ mua đúng giống F1 và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tốt nên Magic-S ở Lạc Dương cho trái lớn, chín có màu đỏ, ngọt, thơm nên khách rất chuộng. Còn một số nơi khác, do người dân mua giống không chuẩn, quả chín màu vàng, trái nhỏ, vị chua nên người tiêu dùng ít chuộng.
“Tuy mới chỉ đáp ứng khoảng 1/5 năng lực phân phối, nhưng hiện giờ, doanh nghiệp chưa dám mở rộng thị trường vì bà con ở Lạc Dương không đủ sản lượng để cung cấp. Bên cạnh đó, cũng cần định giá lại sản phẩm cho đúng giá trị, tránh giá ảo, để nhà nông, nhà doanh nghiệp đều có lợi. Như thế mới có thể phát triển bền vững được loại giống mới này”, ông Thắng chia sẻ.
Cần định giá sản phẩm đúng giá trị
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, Thạc sĩ Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới, thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà(Lạc Dương), phân tích, đối với mọi loại sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm nông nghiệp thì đều cần thời gian để hình thành và phát triển thị trường. Magic-S là cây mới nên phải cần một thời gian nhất định để hình thành thị trường tiêu thụ.
Cần định giá sản phẩm cà chua thân gỗ đúng giá trị để phát triển bền vững
“Qua tham khảo, nghiên cứu việc canh tác và tiêu thụ cà chua thân gỗ của bà con tại Đạ Chais, chúng tôi thấy rằng, các hộ dân ở đây định giá sản phẩm đúng với giá trị thật của một loài cây ăn trái. Không như một số nơi, bà con bị người bán giống “thổi lỗ tai” giá ảo của loại quả này”, Thạc sĩ Sơn đánh giá và cho biết, với giá 50.000đ/kg, nếu so sánh với cà phê, loại cây trồng chính ở đây, thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Đó là chưa kể, công chăm sóc và thu hoạch Magic-S ít hơn so với cà phê rất nhiều.
“Giả sử trồng 2.000 cây Magic-S/ha, bình quân thấp mỗi cây đạt khoảng 10kg, thì năng suất đạt 20.000 kg/ha/năm, với giá 50.000 đ/kg thì doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm/ha.Trong khi đó, so với cây cà phê, hiện nay giá 6.000đ/kg, với năng suất cao nhất khoảng 10.000kg/ha, doanh thu chỉ đạt 60.000.000 đồng/ha/năm”, ông Sơn nêu ví dụ.
“Nhiều địa bàn ở Lâm Đồng, nhìn chung đang có nền nông nghiệp độc canh cây cà phê với rất nhiều những hạn chế về thị trường tiêu thụ, giá cả bấp bênh, do đó việc phát triển những cây trồng mới nhằm đa dạng hóa cây trồng là rất cần thiết. Trung tâm đang đề xuất một chương trình nghiên cứu cà chua thân gỗ nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để cải thiện sinh kế, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Sơn chia sẻ.
Cà chua thân gỗ (Magic-S) là loại cây được Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đưa từ nước ngoài về để nghiên cứu trong khoảng từ năm 2014-2016 và đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Quả Magic-S rất giàu dinh dưỡng nhưng cây rất dễ trồng, có thời gian thu hoạch dài, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nên đang được nghiên cứu đưa vào chương trình chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn.
|