Cây dừa đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều người dân Bến Tre
Hạt nhân của ngành công nghiệp chế biến dừa
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh: Cây dừa tại Bến Tre có một vị trí đặc biệt trong văn hóa cũng như phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện diện tích dừa của tỉnh chiếm 50% diện tích dừa của cả nước, với hơn 71.000ha, 163.000 hộ dân trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp và 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Theo ông Cao Văn Trọng, hoạt động chế biến dừa tại Bến Tre có bước phát triển vượt bậc, khoảng 1.970 cơ sở chế biến dừa với nhiều loại hình, quy mô khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các công nghệ chế biến dừa khá hiện đại, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, an toàn đáp ứng thị trường trong nước và thế giới, đóng vai trò là hạt nhân của ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam và kích thích sự phát triển của ngành dừa các tỉnh lân cận ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Có thể thấy, dừa là cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, đứng hàng thứ tư sau cao su, cà phê và điều của nước ta. Năm 2018, diện tích trồng dừa ở Việt Nam vào khoảng 170.000ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu dừa tháng 9-2019 đạt 12,4 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu dừa 9 tháng đầu năm 2019 đạt 109,1 triệu USD.
Hiện nay, diện tích trồng dừa tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Riêng ĐBSCL chiếm gần 80% diện tích dừa của cả nước, tương đương với 130.000ha, trong đó tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất là Bến Tre.
Tại Bến Tre và Trà Vinh thu nhập từ cây dừa chiếm gần 50% tổng thu nhập của các hộ trồng dừa, ông Cao Văn Trọng khẳng định.
Cây dừa thích ứng BĐKH
Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam, dừa thuộc nhóm cây chống chịu mặn tốt từ 5‰-6‰, có thể thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi như: mưa, bão, lũ, ngập úng, hạn hán, đất cát nghèo dinh dưỡng như ở miền Trung.
Chính vì thế, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, tỉnh Bến Tre đã kịp thời lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết vào các chương trình cụ thể, chủ động giảm tác động của BĐKH, trong đó chú trọng đến vai trò của các hợp tác xã trong phát triển chuỗi giá trị dừa thích ứng với BĐKH, đến nay toàn tỉnh có 145 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực.
Nếu như năm 2016, tỉnh Bến Tre xếp thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước bị rủi ro cao bởi tình trạng BĐKH, thì theo kịch bản đến 2100, diện tích Bến Tre có nguy cơ ngập chiếm khoảng 29,17% diện tích toàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, vườn dừa từ 4-10 năm tuổi có khả năng hấp thu xấp xỉ 25-75 tấn CO2/ha/năm, như vậy vườn dừa càng lớn tuổi thì khả năng hấp thụ carbon càng lớn, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và bất thường của thiên tai.
Cho nên, phát triển chuỗi giá trị dừa thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp giữ vai trò đột phá và là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bến Tre. Kết quả chứng minh khi tỉnh có tới 2.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa với nhiều loại hình, quy mô khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các loại công nghệ chế biến dừa hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đóng vai trò là hạt nhân của ngành công nghiệp chế biến dừa của Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, có hơn 30 loại sản phẩm từ dừa như: sữa dừa, dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa… đã xuất khẩu đi sang nhiều thị trường lớn và yêu cầu cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng sản phẩm từ dừa uống nước, năm 2019 đã xuất khẩu trên 5 triệu trái, sang Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Singapore.