(Dân Việt) Sau khi lắp đặt hệ thống camera, hệ thống tưới thông minh… chăm sóc vùng cây ăn quả xuất khẩu, nhiều nông dân ở huyện Yên Châu (Sơn La) cảm thấy rất nhàn hạ, có người đi chơi xa nhà cả nghìn km vẫn bấm điện thoại chăm cây bình thường.
Ông Nguyễn Đức Tình kiểm tra hệ thống tưới tự động tại vườn cây ăn quả xuất khẩu của gia đình mình ở Yên Châu.
Ông Trần Như Kiên – Giám đốc HTX Phương Nam ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) cho hay: Sau hơn 2 năm áp dụng công nghệ cao vào chăm sóc cây ăn quả xuất khẩu, đến nay gần 1 nửa số thành viên (4/9 thành viên) đã thao tác thành tạo việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để theo dõi, tưới phân, nước cho cây trồng.
“Chuyện này nghe có vẻ khó tin nhưng là sự thật, có người đi chơi xa nhà cả trăm, nghìn km vẫn sử dụng điện thoại theo dõi, chăm cây tươi tốt bình thường”, ông Kiên nói.
Sau hơn 2 năm áp dụng, đến nay ông Tình và các thành viên trong gia đình đã thuần thục các thao chăm sóc cây bằng điện thoại thông minh. “Từ ngày biết dùng điện thoại tươi cây, bón phân chúng tôi thấy rất nhàn hạ và thoải mái”, ông Tình chia sẻ.
Theo ông Kiên, Phương Nam là một trong 4 hợp tác xã (4/24 HTX được cấp mã vùng trồng cây ăn quả để xuất khẩu) đầu tiên được tỉnh hỗ trợ xây dựng và lắp đặt hệ thống chăm sóc cây hiện đại. “Qua việc làm này cho thấy lãnh đạo tỉnh Sơn La luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc phát triển các vùng cây ăn quả đặc sản của địa phương cũng như việc chăm lo cho thu nhập, sức khỏe của người dân ở tỉnh rất chu đáo và khoa học”, ông Kiên khẳng định.
Anh Kiên kiểm tra các dây ống dẫn tưới nước tiết kiệm đến các gốc cây nhãn của HTX mình ở Yên Châu.
Anh Tình trao đổi, hướng dẫn thêm các hộ trồng cây ăn quả xuất khẩu trên địa bàn cách sử dụng điện thoại chăm sóc cây. “So với cách làm thủ công truyền thống, việc dùng hệ thống tự động chăm sóc cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn mà chi phí giảm hơn”, anh Tình cho hay.
Ngoài việc lắp đặt hệ thống tưới thông minh, các vườn cây ăn quả xuất khẩu ở HTX Phương Nam còn được lắp đặt hệ thống camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng rất hiện đại.
“Từ ngày có hệ thống chăm sóc cây hiện đại, bà con chúng tôi rất tự tin sản xuất sản phẩm để xuất khẩu”, anh Hừa, một nông dân ở Yên Châu chia sẻ.
Bên cạnh việc chăm sóc cây trồng bằng điện thoại, bà con ở đây còn được Tổ chức CropLife phối hợp với tỉnh Sơn La hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả hơn, nhất là việc vệ sinh đồng ruộng, thu gom rác thải BVTV đều rất đảm bảo.
Nông dân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu tiến hành bao trái xoài xuất khẩu.
Được biết, năm 2018, tỉnh Sơn La có sản lượng quả ước đạt 17.500 tấn, trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như xoài 3.500 tấn (giá trị 1,75 triệu USD) sang thị trường Austrlia, Trung Quốc, Nhật Bản…; nhãn tươi 5.035 tấn (giá trị ước đạt 11,42 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ…; chanh leo khoảng 1.700 tấn (giá trị đạt 1,938 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan… Ngoài ra, đối với các nông sản khác, năm 2018, tỉnh Sơn La có sản lượng xuất khẩu ước đạt 77.000 tấn, giá trị đạt 104,4 triệu USD, tăng 1,61 lần so với năm 2017. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như chè khô ước đạt 8.000 tấn (giá trị 16,5 triệu USD) được xuất sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan, Apganistan, Nhật Bản, UAE, Trung Quốc…. Kế hoạch năm 2019, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông sản theo yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, sản xuất gắn chặt với chế biến và tiêu thụ. Trong đó, tỉnh Sơn La xác định xuất khẩu là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản quan trọng, tạo tác động tương hỗ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các thị trường. Để triển khai kế hoạch trên, tỉnh Sơn La đã đề ra các mục tiêu, đó là xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu; tập trung phát triển mới khoảng 24.000ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 81.706ha, trong đó có 10.000ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu. Ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay: Tỉnh đang phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2019 tăng 30% so với năm 2018, với giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Từ những mục tiêu này, tỉnh Sơn La phấn đấu tổng sản lượng xuất khẩu sản phẩm nông sản năm 2019 ước đạt 135.306 tấn (trong đó chủ yếu là chè, xoài, nhãn…), tăng 1,43 lần so với năm 2018; trong đó, sản lượng xuất khẩu sản phẩm quả đạt 21.000 tấn, tăng 20% so với năm 2018. |