Nhãn muộn Hà Nội sang Mỹ, châu Âu

 UBND TP.Hà Nội vừa tổ chức buổi lễ khởi hành xe nhãn chín muộn đầu tiên xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ năm 2018, với tổng sản lượng 19 tấn. Sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị kinh tế của sản phẩm nhãn chín muộn mà còn mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu cho các cây ăn quả đặc sản khác của Thủ đô.
 
Đáp ứng thị trường khó tính
Trong lô hàng 19 tấn nhãn chín muộn, có 18 tấn (của vùng trồng nhãn ở Đại Thành, huyện Quốc Oai) được Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Số nhãn này sẽ được đưa vào miền Nam sơ chế, chiếu xạ và chỉ ít ngày nữa, những quả nhãn đầu tiên của đất Hà Nội sẽ đến tay người tiêu dùng ở Mỹ.

nhan muon ha noi sang my, chau au hinh anh 1

Người dân xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) thu hoạch nhãn chín muộn. 

Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 16.700ha trồng cây ăn quả, trong đó tập trung chủ yếu phát triển 4 loại cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao, gồm: Bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn và chuối tiêu hồng. Thành phố cũng đã có hơn 924ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố.

Khoảng 1 tấn nhãn còn lại (thuộc vùng trồng nhãn xã Song Phương, huyện Hoài Đức) sẽ được Công ty CP Otas Global xuất khẩu sang Ba Lan với mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Phát biểu tại lễ khởi hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Việc xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên đi Mỹ và châu Âu sẽ mở ra nhiều triển vọng cho các cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, không chỉ có nhãn chín muộn. Để đáp ứng được các thị trường khó tính này, sản phẩm nhãn chín muộn của Thủ đô đã phải vượt qua những hàng rào kỹ thuật khắt khe. Theo đó các vùng trồng phải áp dụng quy trình VietGAP, phải được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật, phải được chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn dịch hại, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm… Và để sản phẩm thâm nhập được vào thị trường quốc tế khó tính này, có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp…”.

Cũng nhờ áp dụng các quy trình sản xuất khắt khe nên những năm qua, chất lượng, giá trị sản phẩm nhãn chín muộn ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm nhãn chín muộn hầu hết đều đã được các siêu thị, cửa hàng tiện ích trưng bày và bán với giá cao hơn từ 1,2 – 1,3 lần so với nhãn thông thường.

Trước đó, năm 2016 nhãn chín muộn của Hà Nội đã được xuất khẩu sang Malaysia. Hiện, thành phố có khoảng hơn 500ha trồng nhãn chín muộn, tập trung tại 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai. Theo Sở NNPTNT Hà Nội, dự kiến năm nay, năng suất nhãn chín muộn tăng vượt trội so với các năm trước, giá trị sản phẩm hàng hóa ước đạt 875 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế ước đạt 575 triệu đồng/ha.

Còn nhiều tiềm năng

Ngoài đặc sản nhãn chín muộn còn nhiều dư địa để phát triển, Hà Nội còn có nhiều giống cây ăn quả đặc sản cho giá trị kinh tế rất cao khác như quýt Tích Giang (Phúc Thọ), bưởi Diễn, bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đỏ Mê Linh…

Tin vui đến với người nông dân Thủ đô khi mới đây một doanh nghiệp kinh doanh chuối của Thái Lan đã đến tham quan vùng trồng chuối tại xã Chu Minh (huyện Ba Vì). Theo đó, doanh nghiệp này đã thống nhất đầu tư và chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng khép kín với quy mô 10ha. Toàn bộ sản lượng chuối sau thu hoạch sẽ được đơn vị này thu mua và bán tại thị trường Thái Lan.

Tiềm năng phát triển sản xuất cây ăn quả đặc sản của Hà Nội còn rất dồi dào, nhưng không phải vùng nào, loại cây ăn quả nào cũng có thể đầu tư phát triển hiệu quả. Đơn cử như giống quýt Tích Giang ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) nổi tiếng thơm ngon, năng suất cao, có thể đạt 100kg quả/cây ở độ tuổi từ 4 – 5 năm, rất ít hoặc không có hạt. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp, cộng với người dân chuyển sang sản xuất cây cảnh nên hiện còn rất ít người trồng giống quýt này. Được biết, trước đây diện tích trồng quýt Tích Giang ở Phúc Thọ lên tới vài chục ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 3ha.

Tương tự, bưởi Diễn, hay bưởi đỏ Mê Linh (huyện Mê Linh) cũng là giống cây ăn quả đặc sản nổi tiếng và quý hiếm, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ thoái hóa, hoặc bị trà trộn với sản phẩm tương tự nhưng được trồng ở vùng đất khác.

Để bảo tồn, khôi phục cây ăn quả đặc sản, thời gian qua, Sở NNPTNT Hà Nội đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các địa phương rà soát, phân loại, đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa về nguồn giống, qua đó có kế hoạch bảo tồn và nhân rộng nguồn giống cây ăn quả đặc sản.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp thì việc phát triển cây ăn quả của Hà Nội là hướng đi đúng. Cây ăn quả cũng đã được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt từ nay đến năm 2020 và 2030. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế hơn nữa, ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch cụ thể và hình thành được các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi hướng tới xuất khẩu quả tươi và chế biến.

Tin Liên Quan