Còn nhớ vào tháng 10.2014, khi chính quyền huyện Sơn Tây quyết định chi tiền tỷ ngân sách đầu tư trồng thí điểm gần 2.000 cây mắc ca trên diện tích 6ha tại 3 điểm ở 3 xã Sơn Liên, Sơn Bua và Sơn Long (quy mô 2 ha/ điểm/xã), không chỉ dư luận người dân, mà nhiều cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của loại cây này.
Những cây mắc ca đang phát triển khá tốt ở xã Sơn Long.
Số cây mắc ca trồng tại điểm xã Sơn Long đã bắt đầu cho quả bói.
Điều này không có gì khó hiểu bởi thời điểm lúc bây giờ, dù cây mắc ca mang lại giá trị kinh tế rất cao, được ví von là “cây triệu đô”, thế nhưng không riêng gì ở Quảng Ngãi mà với nhiều tỉnh thành khác trong nước, mắc ca vẫn là loại cây còn rất mới và xa lạ, thị trường tiêu thụ cũng chưa rõ ràng.
Nhân viên Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây thu hoạch những quả mắc ca bói lứa đầu tiên.
Tuy nhiên bằng sự quyết tâm và đầy táo bạo, chính quyền huyện Sơn Tây đã vượt qua sự hoài nghi đó và đạt kết quả bất ngờ. Sau gần 4 năm trồng và chăm sóc đến nay, ước 80% số cây mắc ca mà chính quyền Sơn Tây trồng thí điểm đã cho lứa quả bói đầu tiên.
Số lượng quả bói của cây sai nhất, ước đạt 2kg…
Giọng đầy hồ hởi, ông Trần Quý – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây, người được giao đảm nhận thực hiện mô hình này cho biết: “Tổng lượng trái lứa bói của mắc ca trồng thí điểm tại 3 xã ước đạt 30-40 kg trái. Trong đó cây nhiều nhất đạt khoảng 2 kg trái”.
Với kết quả này, không chỉ xoá tan sự hoài nghi của dư luận trước đó rằng mắc ca Sơn Tây sẽ “mắc cạn”, mà còn hứa hẹn mở ra cho người dân miền núi nơi đây một hướng đi mới mang tính đột phá để phát triển kinh tế, tăng thu nhập…
Mắc ca trồng thí điểm ra trái, giúp xóa tan hoài nghi về khả năng cho quả của loài cây này…
Cây mắc ca (Macadamia) là loại cây thân gỗ, có xuất xứ từ nước Úc. Tại Việt Nam, cây mắc ca được đưa về trồng khảo nghiệm từ những năm 2000. Mắc ca trồng một lần cho thu hoạch từ 50 đến 60 năm, bắt đầu sau 4 năm trồng thì cây cho thu hoạch.
Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cây mắc ca từ 7 năm tuổi trở lên cho thu hoạch từ 10-20kg/cây, mỗi kg có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Mắc ca được đánh giá là cây có trị trị kinh tế cao, theo tính toán với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi trên 150 triệu đồng.
Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca trên thế giới rất lớn và giá thành của loại sản phẩm này khá đắt. Theo tính toán của các nhà khoa học, trồng mắc ca có thể đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng chè, gấp 3 lần so với cây cà phê.