Là vùng đất trái ngọt cây lành, xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) đang từng bước khai thác thế mạnh kinh tế vườn nhằm nâng cao đời sống của người nông dân. Trong đó, cây nhãn xuồng từ lâu là đặc sản của xứ cù lao và đang được đầu tư phát triển theo hướng chuyên canh.
Nhãn xuồng cơm vàng đang được phát triển theo hướng chuyên canh tại xã Khánh Hòa (Châu Phú)
Vốn được xem là “cái nôi” của nhãn, vùng đất Khánh Hòa từ xưa đã xuất hiện những vườn nhãn tiếp nối nhau tỏa hương thơm ngát qua nhiều thế hệ. Bắt đầu từ giống nhãn Mỹ Đức có tuổi đời hàng trăm năm rồi đến nhãn xuồng cơm vàng đã bén rễ xanh cây ở vùng đất này. Hiện nay, không khó để bắt gặp những vườn nhãn rộng từ vài công đến cả mẫu của nông dân Khánh Hòa. Đơn giản vì loại cây trồng này giá trị kinh tế cao, với mức lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Với người tiêu dùng, nhãn xuồng Khánh Hòa là món ngon khó bỏ qua mỗi khi nhà vườn bày bán từng rổ trái ven các tuyến đường. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng để “bán chợ” thì cây nhãn xuồng không phát huy hết thế mạnh của mình. Do đó, Đảng ủy, UBND xã Khánh Hòa cùng Hội Nông dân xã đã tìm phương pháp phát triển cây nhãn xuồng theo hướng chuyên canh.
Với sự hỗ trợ của UBND huyện Châu Phú, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Hội Nông dân, xã Khánh Hòa đã từng bước vận động nông dân tham gia vào vùng chuyên canh nhãn xuồng cơm vàng, với quy mô 200ha tại ấp Khánh Mỹ và Khánh An.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa Lê Văn Dũng, hiện nay vùng chuyên canh nhãn xuồng của địa phương đã hình thành với sự tham gia tích cực của nông dân. Trong đó, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa với 23 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt, có đam mê và trình độ kỹ thuật để phát triển cây nhãn xuồng đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, đây còn là lực lượng có thể kết nối những nông dân khác trong vùng chuyên canh cùng làm ăn tập thể, nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho loại trái đặc sản này.
Hiện nay, Phòng NN&PTNT cùng Hội Nông dân huyện Châu Phú đang kết nối để đưa trái nhãn xuồng vào hệ thống siêu thị và nhiều nơi khác để “cố định” đầu ra cho nông dân. Thực tế, nông dân Khánh Hòa đang canh tác diện tích nhãn xuồng lớn hơn nhiều so với diện tích 200ha được quy hoạch, nếu không có bài toán đầu ra ổn định sẽ dẫn tới hệ lụy cung vượt cầu về sau.
Do đó, địa phương đã đăng ký logo và truy xuất nguồn gốc cho cây nhãn xuồng cơm vàng, cũng như tạo điều kiện để 23 thành viên trong tổ hợp tác học tập kiến thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là bước đi quan trọng để “nâng tầm” cho cây nhãn xuồng trong bối cảnh nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Thời gian qua, UBND huyện Châu Phú đã hỗ trợ nông dân trong vùng chuyên canh 2 triệu đồng/hộ để tăng nguồn vốn sản xuất nhãn xuồng. Ngoài ra, nông dân còn được tiếp cận các kỹ thuật canh tác để phát huy tốt phẩm chất, năng suất của cây nhãn xuồng.
Với mức giá 70.000 – 80.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ và mức 45.000 – 50.000 đồng/kg khi chính vụ, nhãn xuồng đang là loại cây “ăn nên làm ra” cho nông dân xã Khánh Hòa với mức lãi khoảng 25 triệu đồng/công/năm. Do đó, việc địa phương và ngành chuyên môn quan tâm, phát triển loại cây trồng này sẽ giúp nông dân hiện thực hóa mục tiêu vươn lên khá giàu từ chính mảnh đất quê mình.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú, nhãn xuồng cơm vàng đang được đưa vào chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyên canh hóa, tăng uy tín cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, nông dân trong vùng chuyên canh nhãn xuồng cơm vàng có thể đáp ứng nhu cầu về phẩm chất, nên khi có thương hiệu cùng truy xuất nguồn gốc thì loại trái này đã đủ sức vươn đến những thị trường “khó tính”, chứ không chỉ bán cho thương lái mang đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh hay Campuchia như trước đây.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao đáp ứng được sức mua của đối tác với sản lượng vài tấn đến hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện Châu Phú cùng xã Khánh Hòa đang liên hệ với nông dân để nắm rõ khả năng đáp ứng về sản lượng.
Trên cơ sở đó, sẽ tính toán cụ thể thời điểm thu hoạch của các hộ trong vùng chuyên canh để chủ động sản lượng cung cấp cho phía thu mua. Đặc biệt, cần phát triển Tổ hợp tác trồng nhãn xuồng cơm vàng xã Khánh Hòa lên hợp tác xã để tạo sự thuận lợi trong việc mua bán, trao đổi với các đối tác và hỗ trợ nông dân tìm đầu ra sản phẩm hiệu quả hơn.
Với lợi thế vốn có, nhãn xuồng cơm vàng đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Muốn thực hiện mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành, sự đồng lòng của nông dân để mỗi khi nói về Khánh Hòa, người dân xứ cù lao có quyền tự hào về loại trái cây đặc sản quê mình.