1. Giá trị của cây mắc ca
Ngay từ khi mới phát hiện ra cây mắc ca, người ta đã đặc biệt quan tâm đến loại quả này. Mắc ca có giá trị sử dụng rất cao. Nó là một loại cây quả khô mà nhân của chúng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Trong nhân, hàm lượng dầu chiếm tới 78% (cao hơn cả ở lạc, ở hạnh nhân và hạnh đào). Trong dầu đó có tới 87% là axit béo không no – một hợp chất quý đối với sức khỏe con người, nó làm giảm hàm lượng cholesterol và phòng trị bệnh xơ cứng động mạch.
Lượng protein trong hạt chiếm tới 9,2% với 20 loại axit amin (mà trong đó có 8 loại axit amin rất cần thiết đối với con người). Ngoài ra, nó còn có nhiều chất bột, chất khoáng và nhiều loại vitamin. Vì vậy, người ta đã ví von nó là “hoàng hậu của các loại quả khô”!
Đặc biệt, nhân của mắc ca ăn rất ngon, có hương vị bơ, bùi, ngậy. Nó còn được chế biến để làm bánh, làm kẹo, làm dầu ăn, nước uống, làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu. Những năm gần đây, vào dịp Tết, sản phẩm mắc ca được xếp là loại hàng hấp dẫn nhất, thường xuyên không đủ cho khách hàng…
Vỏ bên ngoài của quả mắc ca (vỏ xanh) có chứa nhiều tanin và protein. Ta có thể dùng nó để chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc để thuộc da. Vỏ hạt thì rất cứng, nó có thể dùng làm than hoạt tính, làm chất đốt hoặc nghiền ra làm giá thể để ươm cây giống. Với nhiều đặc điểm ưu việt như trên nên mắc ca trở thành đối tượng cây trồng mới đầy hấp dẫn. Bà con khắp nơi nô nức trồng. Nó không phải là đối tượng chỉ giúp dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp cho bà con mau chóng giàu có!
2. Sự phát triển của cây mắc ca trên thế giới
Diện tích trồng mắc ca trên phạm vi toàn cầu bắt đầu phát triển nhanh từ những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Theo thống kê của Hiệp hội Mắc ca các nước, tính đến năm 2020 trên thế giới trồng mắc ca đạt khoảng 450.000 ha. Trong đó, lớn nhất là Trung Quốc với diện tích khoảng 200.000 ha, tiếp đó là Nam Phi với diện tích hơn 50.000 ha, Úc là hơn 30.000 ha… Việt Nam hiện đang đứng khoảng thứ 5 trên thế giới với diện tích khoảng hơn 20.000 ha.
Tại Trung Quốc, diện tích trồng mắc ca tính đến cuối năm 2020 đạt khoảng hơn 200.000 ha tập trung tại Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Tứ Xuyên. Trong đó, hai vùng trồng lớn nhất là tại Lâm Thương – Vân Nam (~180.000 ha) và Quảng Tây (~ 33.000 ha). Mắc ca được trồng tại Lâm Thương từ năm 1991, đến cuối năm 2020 diện tích trồng mắc ca đạt ~180.000 ha, chiếm 88% diện tích trồng tại Vân Nam, 81% diện tích trồng của Trung Quốc và hơn 52% diện tích trồng mắc ca thế giới.
Năng suất thu hoạch Mắc ca ở những vườn cây thành thục trung bình đạt từ 2,5 – 3 tấn hạt/ha. Tổng sản lượng hạt mắc mắc ca toàn cầu năm 2020 đạt khoảng 230.000 tấn hạt khô (Hội đồng hạt quả khô thế giới – INC, 2020). Đứng đầu là Nam Phi với hơn 48.000 tấn hạt khô (độ ẩm khoảng 10%), tiếp đó là Úc với sản lượng gần 47.000 tấn, Kenya với sản lượng khoảng 37.000 tấn.
Ngành chế biến hạt mắc ca trên thế giới đang phát triển nhanh và rộng rãi. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tính đến năm 2020, nguồn cung mắc ca đã tăng gấp đôi với sản lượng khoảng 230.000 tấn hạt khô. Úc và Nam Phi hiện là các nhà cung cấp nhân mắc ca hàng đầu thế giới, đều chiếm tỷ trọng 25% tổng sản lượng toàn cầu. Ngành công nghiệp mắc ca mới chỉ chiếm khoảng 2% lượng hạt khô tiêu thụ trên thế giới. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ nhân hạt mắc ca trên thế giới vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao trong thời gian tớ. Tiềm năng mở rộng thị trường còn rất lớn. Dự báo đến năm 2030, nguồn cung mắc ca trên toàn thế giới chi đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường (INC, 2020).
Năm 2020, quy mô thị trường hạt mắc ca toàn cầu đạt 1,43 tỷ USD và dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm là 9,2% trong giai đoạn 2020 – 2030. Việc sử dụng hạt mắc ca sấy khô trong chế độ ăn uống thường xuyên ngày càng tăng trên toàn thế giới, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng sản phẩm mắc ca hữu cơ cũng được đánh giá là sẽ tăng lên trong thời gian tới. Phân khúc hạt mắc ca hữu cơ dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 10,2% từ năm 2020 đến năm 2030. Sự phát triển ngày càng tăng của thực phẩm hữu cơ là nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này. Hạt mắc ca hữu cơ tốt cho sức khỏe hơn các sản phẩm thông thường vì chúng không chứa thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp.
Đồng thời, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành Mắc ca, các nước trồng, sản xuất mắc ca đã và đang tập trung vào các nghiên cứu về kỹ thuật tạo giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại cũng như định hướng chung về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mắc ca và thị trường tiêu thụ hạt mắc ca trên toàn thế giới. Tháng 09/2021, Hiệp hội Mắc ca Thế giới (WMO) đã được thành lập với 7 quốc gia sáng lập (trong đó có Việt Nam) với mục tiêu quảng bá và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm mắc ca trên thế giới.
Trong thời gian tới, WMO sẽ định hướng tập trung vào 03 phân khúc thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Ấn Độ và các đối tượng khách hàng sử dụng chế độ ăn nguồn gốc thực vật. Đây cũng là tổ chức sẽ xây dựng và giám sát các tiêu chuẩn chất lượng của các loại sản phẩm mắc ca để phổ biến và áp dụng chung trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Ủy ban nghiên cứu khoa học và phát triển Mắc ca Quốc tế (IMSC) là tổ chức chuyên môn nghiên cứu khoa học ứng dụng về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Mắc ca cũng đang được xúc tiến thành lập tại Lâm Thương, Vân Nam, Trung Quốc.
3. Đặc điểm sinh học của cây mắc ca
a. Đặc điểm
Trong phân loại, mắc ca thuộc họ Proteaceae, chi Macadamia. Nó có nhiều loài nhưng chỉ có 2 loài mà hạt của chúng có thể ăn được là Macadamia integrifolia và Macadamia tetraphylla.
Mắc ca là loài cây thân gỗ, lá xanh quanh năm; cây có thể cao tới 18 m và tán rộng tới 15 m. Nó sống tới 100 năm và tuổi thọ kinh tế khoảng 40 – 60 năm. Ngay ở Đà Lạt cũng có một cây mắc ca có tuổi thọ trên 60 năm do người Pháp đưa vào trồng nay vẫn tươi tốt.
Mắc ca không có rễ cọc mà chủ yếu là rễ chùm được phân bố ở tầng đất phía trên. Vì vậy, nó chống đỡ với gió bão kém. Mắc ca phân cành nhiều, tán lá dày. Lá cứng và ở nhiều loài mép lá có răng cưa. Mắc ca rất nhiều hoa. Hoa của chúng giống với hoa lộc vừng, có loại màu trắng, có loại màu hồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ đậu hoa mắc ca rất thấp. Cây mắc ca 15 tuổi, mỗi kỳ hoa, nó có thể có tới 1 vạn hoa tự; mỗi hoa tự có 300 hoa nhỏ, nghĩa là một cây có tới 3 triệu hoa nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có 6 – 13% số hoa được kết thành quả mà sau đó, chỉ còn 0,3 – 0,4% phát triển thành quả thành thục. Như vậy, cây đó chỉ đậu khoảng 10.000 – 12.000 quả. Nhưng với một cây như thế là đã quá tốt rồi!
Quả mắc ca mọc thành chùm. Tuỳ vào khả năng đậu và đeo quả mà mỗi chùm có thể chỉ có 1 – 2 quả, 5 – 7 quả nhưng cũng có chùm có tới 20 – 30 quả hoặc nhiều hơn nữa. Tại vườn của ông Nguyễn Đức Ba (ở Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng) có chùm chúng tôi đếm được tới 32 quả!
Nếu trồng từ cây thực sinh (tức là cây trồng từ hạt) thì phải 6 – 7 năm hoặc lâu hơn nữa cây mới ra hoa. Mặt khác, quả của chúng dễ bị phân ly. Vì vậy, Hiệp hội Mắc ca thế giới khuyến cáo nên trồng mắc ca bằng cây ghép. Nếu trồng từ cây ghép thì chỉ 3 – 4 năm là đã ra bói. Tới năm thứ 6 là cây đã cho nhiều quả. Còn từ năm thứ 10 trở đi, cây sẽ cho năng suất ổn định 20 – 30 kg/cây/năm (trong đó 1/3 là nhân). Nếu chăm sóc tốt cây còn cho năng suất cao hơn.
Trong một năm, cây mắc ca có 3 hoặc 4 lần ra lộc. bình quân mỗi lần ra lộc (kể từ khi ra chồi đến khi thành thục) cần 40 ngày. Với cây đã ra quả, một năm thường ra lộc 3 lần. Mùa cao điểm ra lộc xuân là vào tháng 4; ra lộc hè là vào cuối tháng 6 và ra lộc thu muộn là vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, hàng tháng, trên tán vẫn lẻ tẻ ra lộc. Cành của chúng dài từ 30 – 50 cm. Trên mỗi cành có 7 – 10 vòng lá. Với những cây non mà sinh trưởng tốt hoặc ở một số giống, có cành dài tới trên 1 mét.
Ở cây mắc ca đã cho quả, phần lớn cành có quả là những cành thành thục, đã có 1,5 – 3 năm tuổi. Chúng phát triển từ khuôn trong của tán. Tuy nhiên, vẫn thấy một số cành đã cho quả nhưng cành lại nhỏ, chỉ dài vài xăng-ti-mét và mọc ở phía trong của tán cây.
Việc phát dục của hoa gồm 3 thời kỳ: Thời kỳ ngủ nghỉ sau mầm, thời kỳ vươn dài của hoa và thời kỳ ra hoa. Giai đoạn phân hoá hoa đến khi ta nhìn được mầm hoa bằng mắt biến động từ 50 – 96 ngày. Sau đó, hoa tự bắt đầu mọc dài. Ở những nơi khí hậu mát mẻ, hoa tự sớm vươn dài và chỉ mất khoảng 60 ngày. Sau khi phân hóa chồi hoa khoảng 136 – 153 ngày thì hoa bắt đầu nở.
Thông thường hoa bắt đầu nở vào hạ tuần tháng 2, nở rộ vào giữa tháng 3. Hoa sẽ tàn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Nếu giống khác nhau thì thời vụ nở hoa cũng khác nhau. Ví dụ: Giống 695 thường ra hoa chậm hơn các giống khác. Tới hạ tuần tháng 3 nó mới bắt đầu ra hoa; tới cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nó mới ra hoa rộ; giữa tháng 4 hoa mới tàn.
Phần lớn các giống mắc ca đậu quả nhờ tự thụ phấn. Tuy nhiên, cây mắc ca cũng có hiện tượng tự thụ phấn bất dục ở mức độ đáng kể. Hiện nay, rất nhiều nước dã đưa ong vào vườn mắc ca. Ong hỗ trợ đắc lực cho việc thụ phấn cây mắc ca. Thu nhập từ mật ong ở vườn mắc ca cũng rất đáng kể.
Việc rụng quả non ở cây mắc ca cũng là hiện tượng sinh lý bình thường. Việc mất cân đối hàm lượng các chất khoáng ở các giai đoạn phát triển của cây thường dẫn đến hiện tượng rụng quả.
Khi hoa ra rộ, chúng cần nhiều dinh dưỡng nên làm cho hàm lượng chất khoáng ở lá giảm sút. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng rụng quả đầu tiên. Tới cuối tháng 6, khi lộc hè bắt đầu ra nhiều cũng là lúc quả bước vào thời kỳ tích luỹ dầu. Nhu cầu dinh dưỡng của quả lên cao, cạnh tranh với hàm lượng chất khoáng cung cấp cho bộ lá trong tháng 7. Đó là thời điểm xuất hiện mức rụng quả cao điểm lần thứ 2. Việc giảm sút hàm lượng đạm, lân, kali trong lá là nguyên nhân dẫn tới việc rụng quả. ta gọi đó là hiện tượng rụng quả sinh lý.
Ngoài ra, việc rụng quả còn phụ thuộc các yếu tố ngoại cảnh như sâu bệnh, nhiệt độ môi trường tăng cao, việc thiếu nước trong đất, ẩm độ không khí giảm mạnh, gió bão, v.v… Ngay khi sắp được thu hoạch, nếu nhiệt độ tăng lên bất thường cũng dẫn đến hiện tượng rụng quả. Các nghiên cứu cho thấy, khi quả đã đậu được 70 ngày mà nhiệt độ tăng lên 30 – 35℃ thì chúng cũng rất dễ bị rụng.
Đặc biệt, trong thời kỳ phát dục ban đầu, nếu cây thiếu nước thì cũng làm cho quả rụng nhiều. Còn nếu lại gặp gió khô và nắng nóng xuất hiện thì quả sẽ bị rụng rất nhiều.
Ở nước ta, hiện tượng mưa xuân xuất hiện ở khu vực Việt Bắc rất ảnh hưởng đến việc đậu quả và rụng quả non ở mắc ca.
Năm nào mùa xuân kéo dài sẽ là năm ở khu vực Việt Bắc dễ bị thất thu mắc ca.
b. Các yếu tố thích hợp
Để mắc ca phát triển tốt, chúng ta cần lưu ý tới các điều kiện cần thiết thích ứng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.
c. Nhiệt độ
Nhiệt độ thích hợp để cho cây mắc ca phát triển bình thường trong khoảng từ 12 – 32℃, trong đó, nhiệt độ tối ưu là từ 20 – 25℃. Đặc biệt, vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, cây cần nhiệt độ ban đêm từ 18 – 21℃ và kéo dài trong 5 tuần. Nếu nhiệt độ cao, cây không thể ra hoa. Đây là điều kiện bắt buộc để ta xác định vùng trồng mắc ca.
d. Lượng mưa
Tuy mắc ca được tìm thấy ở vùng bán sa mạc nhưng để cây phát triển tốt ta cần đảm bảo lượng nước khoảng 1.200 mm/năm và được phân bố đều trong năm.
Ở những vùng gò đồi ở Tây Bắc và Việt Bắc cũng như một số khu vực cao ở Tây Nguyên, lượng nước tự nhiên không đủ thì chúng ta cần phải tìm cách bổ sung.
e. Gió
Như đã trình bày, mắc ca cao cây, tán dày mà bộ rễ lại ăn nông nên rất dễ gãy đổ khi gặp gió to hoặc bão lớn.
Khi xác định vùng trồng, nên quan tâm đến vấn đề này. Những nơi hay có bão tố, những vỉa núi gió nhiều ta không nên bố trí trồng mắc ca. Ngay ở những vùng thuận lợi, ta cũng nên nghĩ tới việc chằng, buộc để để giữ cho cây khỏi bị ngã, đổ khi gặp gió lớn.
f. Độ cao so với mực nước biển
Theo tài liệu của nhiều nước, mắc ca thích hợp nhất ở những vùng có độ cao từ 300 – 1.200 m so với mực nước biển.
Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thấy ở Việt Nam có những vùng thấp hơn hoặc cao hơn ngưỡng trên nhưng mắc ca vẫn phát triển được bình thường. Cần theo dõi lâu hơn để có được các kết luận chính xác.
g. Đất trồng
Mắc ca có thể trồng trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, tầng đất phải dày trên 70 cm, thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ, không quá sét. Tốt nhất là nó được trồng trên đất feralit, đất nâu đỏ, đất phù sa ven sông suối, đất dốc tụ chân đồi núi, đất đỏ bazan. Nếu phải trồng trên đất xấu thì chúng ta phải chú ý đầu tư để cải tạo đất. Mắc ca không thích hợp với đất kiềm, đất phèn mặn, đất đá vôi, đất đá ong hoặc các vùng đất bị thoái hóa nghiêm trọng, đất ngập úng…
Tóm lại, các yếu tố trên là rất quan trọng khi tiến hành trồng mắc ca. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là biên độ nhiệt, đặc biệt là thời kỳ cây ra hoa. Nhiệt độ tối ưu để cây ra hoa rộ là từ 15 – 21℃. Mức tốt nhất là 18℃ và kéo dài trong 4 – 5 tuần.
Hướng dẫn mua hàng và vận chuyển:
-Phương thức thanh toán tiền mua cây giống
Thanh toán bằng tiền mặt: trực tiếp tại văn phòng, vườn ươm, Bưu điện.
hoặc Thanh toán qua tài khoản:
STK: 1016155567
NGÂN HÀNG : VIETCOMBANK
CTK: NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG
(khi gửi khách hàng lưu ý điền số điện thoại vào mục nội dung chuyển tiền)
– Dịch vụ vận chuyển
Nếu khách hàng ở xa, chúng tôi có kèm dịch vụ vận chuyển như sau:
– Chi phí vận chuyển cây ra bến xe mỹ đình + 150.000đ cước vận chuyển.
– Chi phí vận chuyển cây ra bến xe nước ngầm, giáp bát,Gia lâm + 100.000đ cước vận chuyển.
(Khách hàng ở xa mua cây giống các loại nên cung cấp cho đơn vị số điện thoại của nhà xe khách chạy qua địa điểm gần nơi khách hàng nhất (nếu có) để đơn vị gửi cây, thuận lợi cho người nhận và đảm bảo tốt cho cây giống)
– Cam kết chất lượng
– Đảm bảo chuẩn giống đúng chất lượng sản phẩm cung cấp.
– Hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch.