Cây sắn dây là một loài cây dễ trồng, ít kén đất và có giá trị dinh dưỡng cao, cây có thể sống lâu năm, cây thường leo lên để chiếm lĩnh đỉnh cao. Nó có thể dài hơn 10m. Rễ phát triển thành củ dài, to, lá kép, mọc so le gồm 3 lá chét, phiến lá hình tim không đều, đầu lá có mũi nhọn dài, đuôi lá tròn. Cụm hoa chùm mọc so le gồm 3 cánh lá chét nguyên hoặc xẻ thùy, mọc ở kẽ lá gồm nhiều loại hoa màu xanh tím, thơm. Quả giáp dẹt màu vàng nhạt, có lông mềm, thắt lại giữa các hạt. Ngoài công dụng y học, sắn dây còn là nguồn phân xanh và làm thức ăn cho gia súc.
Cách trồng sắn dây
Chuẩn bị cây giống: Uơm giống tháng 2, dùng dây của cân sắn dây hoặc củ sắn dây.
Thời vụ trồng: Trồng từ tháng 3 đến tháng 10 – 11 thì thu hoạch nếu là sắn dây ta thì thời gian thu hoạch lâu hơn sắn dây Trung Quốc.
Chuẩn bị đất trồng:
Đất cày bừa kỹ sau đó đào hố trồng và bón lót, công việc chuẩn bị cần được tiến hành trước khi trồng là 15 ngày,
– Nếu trồng bằng hom thì qui cách hố 0,8 m x 0,8 m, sâu 0,4 m và khoảng cách giữa 2 hố là 2 m. (mật độ 2.500 cây/ha).
– Nếu trồng bằng bầu ươm thì qui cách hố 0,6 m x 0,6 m, sâu 0,4 m và khoảng cách giữa 2 hố là 2 m
Giống: Hiện nay có 02 loại giống
– Giống sắn dây địa phương (còn gọi là sắn ta): Thời gian sinh trưởng là 2 năm
– Giống sắn dây lai Trung Quốc: Thời gian sinh trưởng là 10 – 12 tháng
Cách trồng:
Trồng bằng cách giâm hom: Chọn cành bánh tẻ, cắt 01 đoạn sao cho có từ 2 – 3 mắt mầm, đem giâm vào trong bầu đất sau khoảng 01- 1,5 tháng thì có thể tiến hành đem trồng. (khi đem trồng nên kiểm tra xem cây đã phát triển rễ hoàn chỉnh thì mới đem trồng).
Trồng bằng củ giống: Sau khi thu hoạch trong vòng 1 tuần, chọn củ tốt không sâu bệnh để trồng. Cắt củ thành từng miếng dài rộng 5 – 7cm chấm mặt cắt vào tro bếp, để nơi khô ráo cho khô vết cắt rồi đem trồng thẳng xuống hốc hoặc trồng vào bầu.
Có thể ủ cho củ nảy mầm để trồng. Cắt củ lấy nửa trên, chấm mặt cắt vào tro bếp để khô vết cắt. Đặt củ lên rơm rạ, bao tải hoặc trấu thành từng lớp, phía trên mỗi lớp củ rải tro bếp trộn phân lân. Trên cùng phủ rơm kín, che mát và thường xuyên tưới vừa đủ ẩm. Sau 2 – 3 tuần thì củ nhú mầm có thể đem trồng.
Bón phân chia làm 3 lần
Bón lót: Đổ lớp mùn rơm rạ, lá cây hoai mục xuống đáy hố. Rắc một lớp đất bột dày 5 – 10 cm lên trên lớp mùn. Bón từ 25 – 30 kg phân chuồng/hố. Phủ một lớp đất dày 5 – 10cm lên trên lớp phân chuồng. Đặt cây giống và phủ đất mùn, rơm rạ hoặc lá cây hoai mục lên trên cùng (tránh lấp vào mầm cây).
Lần 1: Sau khi trồng khoảng 1 tháng thì dung urê pha loãng tưới bổ sung theo tỷ lệ 2 muỗng café urê/bình 8 lít.
Lần 2: Sau khi cây mọc 50 – 60 ngày 100 – 120 gram urê + 5 – 6 gram KCI/gốc.
Lần 3: Sau khi trồng khoảng 3 tháng thì bón 200 gram NPK 16-16-8 và
5 – 10 kg phân chuồng cho mỗi gốc.
Chăm sóc: Khi chồi cây phát triển được 10 – 20 cm thì làm giàn cho sắn dây leo. Khi thân sắn cao khoảng 1m thì cuộn dây lại lần nữa, sau đó phủ đất và mùn lên trên nhằm mục đích tạo ra tầng củ thứ 2. Thường xuyên làm sạch cỏ, đảm bảo cho đất luôn tơi xốp và tạo độ ẩm cho đất để thân cây phát triển nhanh.
Cần cắm chà cho dây leo (cắm theo hình chữ A như cách trồng rau ăn quả), không cần cắt tỉa mà chỉ cần bắt dây cho leo chà, không nên cho dây chạm đất vì phần nào chạm đất thì có khả năng mọc rễ mới làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ sau này. Chỉ tưới nước khi khô hạn kéo dài còn thời tiết bình thường thì không cần phải tưới nước.
Phòng trừ sâu bệnh:Trước khi trồng nên xử lý đất để trừ sùng trắng bằng Basudin hạt, trong giai đoạn cây sinh trưởng phát triển cần chú ý sâu cuốn lá và rệp sáp.
Thu hoạch: Sau khi trồng 9 – 10 tháng thì có thể tiến hành thu hoạch hoặc khi thấy lá trên cây bắt đầu chuyển sang màu vàng và rụng dần (hiện tượng trút lá vàng) thì có thể thu hoạch được vì lúc đó củ đã thành thục.