KỸ THUẬT TRỒNG VÚ SỮA

Giá bán: Liên hệ

+ Luôn có khả năng cung cấp số lượng lớn với giá cả hợp lý.

+ Giá chưa bao gồm phí vận chuyển và VAT.

+ Có khả năng cung cấp cây ăn quả trưởng thành từ 1 năm tuổi trở lên - giá trao đổi.

    KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY VÚ SỮA

    1. Yêu cầu sinh thái

    Cây vú sữa trồng thích hợp trong điều kiện nhiệt đới nhiệt độ 22-340C, chỉ ra hoa tốt trong điều kiện có hai mùa mưa nắng phân biệt và không chịu được gió to do cây có tán lá dày và rễ nông.

    Yêu cầu đất đai: đất phù sa ven sông, đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, ít chua, pH 5,5-6,5, cao độ không quá 400m

    1. Thiết kế vườn:

    2.1 Vùng Đồng bằng:

    Đào mương lên líp (luống): Đây là khâu rất quan trọng, đào mương sâu 1,0 – 1,5m, rộng 2-2,5m, bề mặt líp rộng 6 – 10m. nếu trồng trên đất ruộng nên lên mô có đường kính thay đổi từ 0,8 – 1,0m, cao 0,3-0,4m tùy theo địa hình của từng nơi.

    Đắp đê bao: Cây vú sữa không chịu ngập và rất cần đủ ẩm để phát triển tốt trong các năm đầu tiên sau khi trồng do đó cần phải có bờ bao và cống để chủ động việc tưới tiêu. Cao độ của đê bao phải cao hơn đỉnh lủ trung bình nhiều năm. Mặt líp hoặc mô phải cao hơn mặt nước trong mương từ 50 – 80cm.

    2.2 Vùng đất cao .

    Vùng đất cao phải đào bồn nông, đường kính 2,0m, sâu 0,3m. Giữa bồn có mô đường kính thay đổi từ 0,8 – 1,0m, cao 0,3-0,4m tùy theo địa hình của từng nơi. Lấp đầy bồn chung quanh chân mô bằng các vật liệu hữu cơ (cỏ khô, xác bã thực vật, phân chuồng…)                

    2.3. Trồng cây chắn gió:

    Cây vú sữa dễ bị gãy nhánh, bật gốc do gió to nên cần phải chú ý có cây chắn gió,

    2.4  . Mật độ và khoảng cách trồng:

                Tùy theo chiều rộng mặt líp mà bố trí số hàng cây. Với líp rộng 7 – 8m thì bố trí trồng một hàng cây ở giữa líp, khoảng cách 8m/cây, mật độ 12 – 13 cây/1000m2, với líp rộng 9 – 10m, trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu, khoảng cách 10m/cây, mật độ từ 7 – 8 cây/1000m2. Có thể trồng xen rau màu hoặc cây ăn trái ngắn ngày trong 1 – 3 năm đầu để tăng thu nhập

    2.5.    Làm cỏ và trồng xen:

    Nên làm cỏ thường xuyên trong các năm đầu để hạn chế sự canh tranh dinh dưỡng và loại bỏ sự trú ẩn của sâu bệnh:

    Diệt cỏ thủ công: 2-3 lần/năm trong mùa mưa.

    Phun thuốc cỏ: Glyphosat, Gramoxon…1-2lần/năm vào mùa mưa.

    Máy cắt cỏ: 3-4 lần/năm khi cỏ cao 30-40cm.

    Từ năm thứ tư trở đi tán cây rộng dần và công làm cỏ sẽ giảm.

    Để giảm bớt công làm cỏ và tưới nước trong các năm đầu nên dùng rơm rạ phủ gốc và trồng xen một số cây ngắn ngày trong 2 năm đầu để tăng nguồn thu nhập. Các cây trồng xen như: rau màu ngắn ngày họ đậu, họ bầu bí, đu đủ…

    1. Giống trồng:

    3.1. Chọn giống trồng:

    – Vú sữa Lò Rèn: có nguồn gốc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là giống vú sữa có hiệu quả kinh tế cao nhất, năng suất 1000 – 1500 trái/năm/cây 10 năm tuổi, trọng lượng trái 200 – 300g, vỏ trái khi chín có màu hột gà, tươi bóng, phẩm chất ngon, có giá bán cao nhất so với các giống khác.

    – Các giống vú sữa Tím, vú sữa Nâu có năng suất thấp nhưng thưòng chín sớm hơn so với vú sữa Lò Rèn.

    3.2. Phương pháp nhân giống

    3.2.1.  Nhân giống bằng phương pháp chiết cành

    Nên chọn cây cho năng suất cao và độ tuổi dưới 10 năm. Chọn cành để chiết thường là cành bánh tẻ, có tuổi 12-14 tháng, nằm ngang, da vừa hóa gổ, không mang cành vượt.

                Thời gian khất cành có thể từ tháng 1 – 3 Âl. Dùng dao bén khoanh và lột bỏ khoảng vỏ từ 2 – 2,5cm, dùng dây nilon cột quanh vết cắt để ráo nhựa cây, 20 – 25 ngày sau đó bắt đầu bó bầu, vật liệu bó bầu thường là rể lục bình, xơ dừa, rơm rạ, bùn ao, bao ny lon. Sau khi bó bầu khoảng 10 – 15 ngày, kiểm tra nước và phun thuốc sâu để ngăn ngừa kiến và các côn trùng khác cắn phá rể cây. Thường xuyên tưới nước để bầu không bị khô. Sau khi bó bầu 3 – 4 tháng, cắt nhánh và dùng bẹ chuối hoặc bầu nilon chứa đất xốp giâm nhánh, để trong mát dưỡng 15-30 ngày cho rễ thuần thục trước khi đem trồng.

    3.2.2.      Nhân giống bằng phương pháp ghép

    Gốc ghép: Chọn những hạt vú sữa to, không bị sâu bệnh đem gieo trong vườn ươm. Làm thành luống gieo, thông thường cây mọc khoảng 3-4 tuần lễ sau khi gieo. Lúc cây có 3-5 lá thì có thể đem ra trồng ở vườn ghép, đến khi cây đạt tiêu chuẩn ghép (8-12 tháng tuổi) thì ra ngôi cho vào túi nilon có đục lổ thoát nước sau đó tiến hành ghép. Sau khi ghép 40-45 ngày, kiểm tra thấy có sự tiếp hợp tốt giữa gốc ghép và cành ghép (mắt ghép) thì cắt và đem để trong bóng râm khi nào cây phát triển tược mới, lá thành thục mới có thể đem trồng.

    Có nhiều cách ghép, tuy nhiên trong sản xuất thường gặp phổ biến nhất là ghép cành treo bầu và ghép mắt vì cho tỷ lệ thành công cao.

    Ghép cành treo bầu: Chọn kích cỡ gốc ghép phải tương xứng với cành ghép và cành ghép đã thành thục. Gốc ghép trồng trong bầu được buộc vào giàn đỡ bầu gần cành ghép.

    – Cách ghép:

    + Gốc ghép: có đường kính tương đương hoặc lờn hơn cành ghép, được vạt 2 đường đối xứng nhau tạo thành hình vạt nêm dài 3-7 cm

    + Cành ghép: đường cắt xéo sâu vào gổ cành giống đến 1/3 đường kính cành, dài hơn vạt nêm trên gốc ghép một chút.

    Sau đó lồng vạt nêm gốc ghép vào miệng cắt xéo của cành giống sao cho tượng tầng của 2 mặt cắt tiếp xúc tối đa. Quấn kín mối ghép bằng dây ghép.

    Ghép mắt (bo): mắt ghép là miếng vỏ của cành giống chỉ mang 1 mầm duy nhất và không có gổ đính kèm.

    + Gốc ghép: đường kính gốc ghép phải đạt 1-2 cm. Vỏ có màu nâu xám và tróc thật tốt. Các đường cắt trên gốc ghép có thể là dạng U hay U ngược.

    + Mắt ghép: chọn mắt ghép trên những cành đã ra năm trước, vỏ cành đã chuyển sang màu nâu xám. Chú ý khi tách bo tránh làm cho bo bị dập, xây xát. Kích thước chữ U trên gốc ghép chỉ lớn kích thước mắt ghép 1 chút.

    Dây PE quấn mối ghép được mở ra sau khi ghép 25-30 ngày và cắt ngọn gốc ghép để kích thích sự nẩy mầm vào ngày thứ 35 sau ghép.

    1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

    4.1. Thời vụ trồng:

    Vú sữa có thể trồng quanh năm nhưng nên trồng vào đầu mùa mưa: khoảng tháng 9 ở Trung Bộ và tháng 6 ở Nam Bộ.

    4.2. Chuẩn bị hố trồng và cách trồng

    Trước khi trồng 15 – 20 ngày tiến hành đào hố giữa mô rộng 40-50cm, sâu 20 – 25cm, trộn đều lớp đất này với hỗn hợp 20kg phân hữu cơ , 100g DAP,ø 200 – 300g phân lân và 10-20g Basudin 10H.

    Đặt bầu cây thẳng đứng, mặt bầu ngang với mặt mô trồng, cắt bỏ vỏ bầu, lắp đầy hố bằng hỗn hợp nêu trên, nén chặt, cắm cọc cố định và tưới nước.

    4.3. Che bóng cho cây.

    Có thể dùng vật liệu hay trồng cây che bóng như chuối,…để hạn chế ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến cây trong 1-2 năm đầu .

    4.4. Tủ gốc giữ ẩm

    Rễ vú sữa ăn nông, nhiệt độ của đất cao vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng lá khô, rơm rạ, cỏ khô…để giữ ẩm cho đất, nên tủ cách gốc 40-50cm .    

    4.5. Vét bùn bồi líp trên vùng đất thấp:

    Hàng năm tiến hành vét mương bồi bùn lên líp vào đầu mùa nắng. Vét bùn đáy mương phủ thành dãy 0,5-1m hai bên rìa mặt líp phơi khô rồi sau đó bồi vào mô trồng. Việc vét mương bồi líp vừa có tác dụng cải tạo hệ thống mương tưới tiêu, nâng cao dần mặt líp, vừa có tác dụng cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây vú sữa và gia cố hệ thống rễ cho cây tránh đổ ngã.

    Vùng đất cao cũng nên lưu ý bồi thêm đất xung quanh gốc cây hàng năm bù lại cho phần đất bị rữa trôi và bảo vệ bộ rễ nông.

    4.6. Tiả cành, tạo tán:

    Trong các năm đầu nên tỉa bớt cành, chỉ để lại các cành phân bố cành đều theo các hướng, tạo cho cây có tán tròn đều và khống chế chiều cao không vượt quá 4-4,5m. Cắt bỏ cành vượt trong tán, cành sâu bệnh, cành phụ ốm yếu mọc liên tiếp trên cùng một cành chính, cành mọc gần mặt đất.

    Vào sau mỗi vụ thu hoạch cần tỉa các cành mọc đứng bên trong tán, cành rũ, cành ốm yếu, sâu bệnh…để giúp cây thông thoáng và sớm ra chồi mới.

    Đối với vườn có độ tuổi từ 20 năm trở lên, cây cao quá 6m nên tiến hành trẻ hoá cho cây. Kỹ thuật trẻ hoá nên được áp dụng liên tiếp trong 3-4 năm, mỗi năm trên từng phần của cây để đảm bảo mức thu nhập.

    Sau mỗi vụ thu hoạch nên cưa bỏ 1-2 cành vươn cao, ít lá và có biểu hiện sinh trưởng, năng suất kém nhất trên tán cây. Cưa ngắn các cành này còn 30-50cm tính từ gốc cành. Khi cưa nên rót nước liên tục vào vết cưa nhằm tránh nhiệt độ cao do ma sát gây chết mô cây ảnh hưởng đến khả năng tái sinh chồi sau này, vết cưa nghiêng 45 độ để tránh đọng nước. Sơn phủ bề mặt vết cưa bằng dung dịch sun-phát đồng. Khoảng 15-20 ngày sau dưới mỗi vết cưa sẽ phát triển 5-15 chồi mới, nên tỉa bớt số chồi mới chỉ giữ lại 2-3 chồi khỏe và ở vị trí đều quanh cành. Khi chồi mới phát triển đến chiều dài 50-60cm thì tiến hành loại bỏ đỉnh sinh trưởng để kích thích chồi phân cành. Lưu ý quan sát và phòng trừ sâu hại cho cành mới.

    Cành mới có khả năng cho trái sau 12-18 tháng.

    4.8. Tưới nước

    Tưới nước đầy đủ là yếu tố thiết yếu đối với cây vú sữa nhằm đảm bảo sinh trưởng. Tưới đẳm sau thời kỳ khô hạn tạo tác dụng ra hoa đồng loạt cho cây và đảm bảo tỉ lệ đậu trái cao.

    – Giai đoạn cây con: cần cung cấp đầy đủ cho cây vú sữa . Tưới 3-5 lần/ tuần, 20-30l nước/lần/cây vào mùa nắng để giảm tỷ lệ cây chết và phát triển nhanh đặc biệt trong 3 năm đầu.

    – Giai đoạn cây ra hoa và mang trái cần tưới nước thường xuyên 2-3 ngày/ lần.

    4.9. Bón phân:

    4.9.1. Vị trí bón

    Vị trí bón phân nên bón đều xung quanh và cách gốc khoảng 2/3 đường kính tán cây

    4.9.2. Bón phân thời kỳ kiến thiết cơ bản:

    Từ khi trồng đến một năm: tưới 20 – 30g phân DAP hòa trong 20 l nước/cây/lần/tháng.

    Từ 1 – 3 năm: bón tổng lượng phân/cây/năm là hỗn hợp 1 – 2kg phân Urea + DAP + NPK (20-20-15) với tỉ lệ 1/1/1 chia đều làm 4 lần bón trong một năm, mỗi lần cách nhau 2 – 3 tháng.

    4.9.3. Bón phân cho cây trưởng thành, đã cho trái ổn định

    Cây vú sữa từ năm thứ 5 sau khi trồng, bước sang giai đoạn cho trái ổn định, và cũng là bắt đầu giai đoạn kinh doanh. Đề nghị nên bón 4 lần phân vào các giai đoạn: xử lý ra hoa, đậu trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1 – 2 tháng. Liều lượng phân bón thay đổi, tăng dần theo tuổi cây từ 5 – 20 năm.

    Lần 1: Bón vào giai đoạn xử lý ra hoa ngay sau khi thu hoạch vụ trước 5 –10 kg vôi.

    10-15 ngày sau bón tiếp với hỗn hợp 20 – 40kg phân hữu cơ hoai,ø 3-4kg NPK (20 – 20 – 15).

    Lần 2: Bón lúc trái có đường kính khoảng 1cm với lượng 1-2 kg Urea + 1-2kg DAP/cây.

    Lần 3: Bón lúc trái có đường kính khoảng 3cm, với hỗn hợp 2-3kg phân NPK 20-20-15 + 1-2 kg KCl/cây.

    Lần 4: Bón trước thu hoạch 2 tháng với liều lượng 1 – 2kg phân NPK +ø 1-2 kg KCl/cây.

    Các lần bón phân nói trên cách nhau khoảng 2 tháng.

    4.9.4. Phương pháp bón:

    Trước khi bón phân nên tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu tủ gốc rồi bón lên mặt líp (mô) hoặc xới rảnh sâu 5-10 cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh. Sau khi bón phân nên che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan vào đất.

    4.10. Xử lý ra hoa:

    Xử lý ra hoa cho vú sữa khi cây đã trưởng thành, cho trái ổn định từ năm thứ 7 trở đi bằng phương pháp điều tiết nước và bón phân. Lúc chuẩn bị thu hoạch quả (khoảng tháng 11) tiến hành các bước xử lý như sau:

    Gom sạch lá rụng trên mặt líp để phơi khô đất, đồng thời xiết cạn nước trong mương cho đến khi thu hoạch xong (mực nước trong mương tối thiểu phải cách mặt líp 60 cm).

    Sau khi thu hoạch xong, tỉa bỏ các trái non còn sót lại và tỉa các loại cành già, cành vô hiệu, cành vượt (cành phướn), cành sâu bệnh.

    Xử lý ra hoa từ tháng 2- 3 :

    Bơm nước tràn trên mặt líp 2 – 3 lần, 4 – 5 ngày/lần, yêu cầu đảm bảo mặt líp phải thật ẩm (bơm nước ngâm líp trong 1 -2 ngày).

    Bón toàn bộ lượng phân đợt 1, tưới nước cho tan phân sau mỗi lần bón.

    Tưới liên tục 3 lần/tuần cho dến khi cây ra hoa.

    1. Phòng trừ sâu bệnh

    5.1. Phòng trị sâu hại

    5.1.1. Sâu đục trái (Alophia sp- Pyralidae)

    Gây hại từ khi trái có đường kính 2cm đến khi trái chín.

    Phòng trừ bằng các loại thuốc như Karaté, Cymbush, Trebon… liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Phun thuốc khi thấy bướm xuất hiện và mức thiệt hại trái khoảng 2-3%. Ngưng phun thuốc trước khi thu hoạch khoảng 1 tháng để tránh dư lượng thuốc gây hại cho người tiêu dùng

    5.1.2. Sâu ăn bông (Eustalodes anthivora – Gelecchiidae)

    Gây hại khi cây ở giai đoạn trổ bông.

    Phòng trừ bằng các loại thuốc như Karaté, Cymbush, Trebon, liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nên phun thuốc khi thấy bướm xuất hiện

    5.1.3. Rệp sáp ( Pseudococcus sp – Pseudococcidae)

    Gây hại chủ yếu vào mùa khô trên tất cả các bộ phận của cây.

    Phòng trừ bằng cách phun Supracide theo nồng độ khuyến cáo hoặc tươi các loại thuốc có tính lưu dẫn như Basudin

    5.1.4. Sâu đục cành (Coleoptera)

    Sâu đục cành gây hại quanh năm nên thường xuyên thăm vườn phát hiện mọt đổ từ các cành. Diệt sâu bằng cách bơm các loại thuốc có tính lưu dẫn như Basudin.

    5.2. Phòng trị bệnh hại

    5.2.1. Bệnh thối trái:

    Gây hại từ lúc trái còn non đến thu hoạch, vết bệnh lúc đầu trên trái có những đốm nhỏ hình tròn có màu nâu hoặc nâu đen sau lan dần ra, nhiều đốm kết hợp với nhau thành những đốm lớn hơn và có thể lan ra bao quanh trái, làm cho thịt trái bị chai sượng và thối sau đó trái sẽ rụng.

    Nguyên nhân gây bệnh do nấm Colletotrichum sp.

    Vệ sinh vườn sạch sẽ, thoáng mát đầy đủ ánh sáng. Khi thấy bệnh bắt đầu xuất hiện cần phải phun phun các loại thuốc như Score, Antracol, Daconil, Nustar hay Benomyl nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Tỉa bỏ trái bệnh và tiêu hủy.

    5.2.2. Bệnh thối trái do Lasiodiplodia theobromae

    Gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm vào mùa mưa.

    Bệnh tấn công lên trái trong giai đoạn thu hoạch và tồn trữ hay vận chuyển, làm thối phần thịt trái nơi gần cuống có màu nâu sậm lan dần. Vết thối mềm và lây lan khá nhanh chỉ sau 2-3 ngày, nhất là trong môi trường nóng ẩm.

    Tránh gây tổn thương vỏ trái, rụng cuống khi thu hoạch. Xếp từng trái vào thùng chứa có lót giấy .

    Tỉa cành kết hợp tỉa các bộ phận bị bệnh và tiêu hủy, hạn chế sự lây lan của nguồn bệnh trên vườn.

    Phun các loại thuốc như: Tilt super, Dithan, Carbenzim, Benlate, Manzate, Topan.

     5.2.3. Bệnh bồ hóng:

    Nấm bệnh bám thành mảng trên mặt lá, thân, tráiNấm không gây hại trực tiếp vì không hút được dinh dưỡng từ cây nhưng tạo thành lớp nấm đen dính vào mặt lá làm giảm sự quang hợp ở lá ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

    Bệnh thường phát triển mạnh trong mùa nắng đi kèm với rệp sáp

    Phòng trừ bằng cách tỉa cành tạo tán hợp lý, phun các loại thuốc để diệt rầy như Bassa, Trebon, Supracide kết hợp với thuốc trừ nấm như COC-85 hay Copper Zinc…với liều lượng theo khuyến cáo.

    1. Thu hoạch.

    Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch từ 180 – 200 ngày tùy theo giống, mùa vụ. Tiến hành thu hoạch khi trái đã chín sinh lý trên cây. Trái phát triển đạt đến hình thái, màu sắc đặc trưng của giống.

    Giống vú sữa Lò Rèn khi đến độ thu hoạch trái có vỏ bóng sáng, màu vỏ chuyển từ xanh nhạt sang màu kem đến hơi nâu ở phần đáy trái.

    Khi thụ hoạch nên cắt cả cuống trái dài 1-2 cm, loại bỏ trái có vết sâu bệnh, tổn thương và bao trái bằng các loại bao giấy nhằm tránh trầy xướt trong quá trình vận chuyển.

    Thùng, giỏ chứa trái phải có lót đệm bằng giấy hoặc các loại vật liệu xốp, khô. Không nên chất quá 4-5 lớp trái trong giỏ.

    Chúc bà con thành công!

         

                                        THÔNG TIN ĐẶT HÀNG VÀ HỖ TRỢ KỸ THUẬT VUI LÒNG LIÊN HỆ

    VIỆN CÂY TRỒNG TRUNG ƯƠNG

    Địa chỉ trụ sở giao dịch tại Miền Bắc:  

    Phố Nguyễn Mậu Tài – Đường Ngô Xuân Quảng – TT Trâu Quỳ -Gia Lâm – HN

    HOTLINE  – 0865804321 /0334451026 /0981996880 /0867446982

    Email: hocviennongnghiep4.0@gmail.com

    Website chính: https://viencaytrongtrunguong.com/