Trước kia gia đình chị Đặng Thị Thu Hằng kinh tế khó khăn, vất vả, chủ yếu làm nương rẫy, trồng cây ngô và cây sắn, công sức bỏ ra thì nhiều mà thu nhập lại thấp.
Năm 2011, nhận thấy tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cây ăn quả, chị Hằng bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực này. Ban đầu còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp nên chị đã tự đi tìm hiểu và học hỏi ở các mô hình quanh địa bàn. Sau một thời gian tích góp và vay mượn từ anh em họ hàng trong gia đình, chị cũng đã dành được số tiền 150 triệu đồng để đầu tư hơn 1.600 m2 đất nông nghiệp trồng cây ăn quả.
Đến nay, vườn cây của gia đình chị có trên 300 gốc bưởi Diễn và 400 gốc xoài tượng da xanh. Mỗi năm cho thu hoạch trên 30 tấn xoài, sau khi trừ hết chi phí, gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng.
Để đạt được kết quả như vậy, chị Hằng đã không ngừng học hỏi, nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã, huyện tổ chức. Ngoài ra, chị cũng chủ động đi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn ở các huyện và tỉnh bạn để về ứng dụng vào mô hình của mình.
Hơn nữa, ngoài việc trồng cây ăn quả, gia đình chị còn chăm sóc trên 100 gốc đào cảnh, phục vụ cho thị trường Tết của địa phương, đồng thời, tạo được công ăn việc làm cho 4 lao động tại địa phương.
Chị Tòng Thị Hoan, bản Mé, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, người làm công cho chị Hằng cho biết:“Tôi là công nhân của chị Hằng, đi làm được 2 năm rồi. Tôi mong sau này chị sẽ mở rộng hơn để chúng tôi có công ăn việc làm”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Hằng còn là cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình. Chị tham gia công tác đoàn thanh niên và giữ chức Bí thư chi đoàn tiểu khu 11, thị trấn Hát Lót từ năm 2013 đến nay. Với việc đổi mới công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, chị đã có nhiều sáng tạo trong quản lý, điều hành các đoàn viên thanh niên trong chi đoàn như, mỗi tuần thực hiện lao động các tuyến đường tự quản, thành lập các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, câu lạc bộ tình nguyện.
Ngoài ra, chị còn tận tình giúp đỡ nhiều đoàn viên về vốn hay kinh nghiệm trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, nhất là kỹ thuật trồng cây ăn quả, canh tác cây ăn quả trên đất dốc để năng suất cây trồng đạt hiệu quả cao hơn. Anh Nguyễn Tiến Thành, đoàn viên chi đoàn Tiểu khu 11, Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn cho hay: “Tôi nhận thấy chị Hằng là một người lãnh đạo năng động, triển khai tốt các phong trào mà đoàn cấp trên giao phó, chị đã đưa chi đoàn trở thành chi đoàn vững mạnh trong đoàn thị trấn. Bên cạnh đó, chị Hằng còn là tấm gương phát triển kinh tế trong phong trào thanh niên lập nghiệp, từ đó chúng tôi học tập gắn vào mô hình kinh tế của gia đình”.
Với ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm,chị Đặng Thị Thu Hằng đã thành công trong hướng đi của mình, là tấm gương sáng để các đoàn viên thanh niên ở địa phương học tập và làm theo.
Mỗi năm, gia đình chị Đặng Thị Thu Hằng thu về gần 200 triệu đồng từ trồng cây ăn quả.