Ông Trần Khánh Tùng – Chủ tịch UBND xã Minh Thành cho rằng: Từ năm 2017, tỉnh có chủ trương dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh thì những sản phẩm cam có chất lượng tốt như cam Minh Thành lại không được dán tem, vì không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Đó là thiệt thòi đối với người trồng cam ở đây. Năm nay, xã Minh Thành nằm trong 5 xã trên địa bàn huyện Yên Thành được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bổ sung chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh là tín hiệu vui đối với địa phương.
Còn xã Đồng Thành là địa phương nổi tiếng cam Xã Đoài lòng vàng từ hơn 10 năm nay, khi trên địa bàn xã có một số trang trại cam lớn.
Thực chất cam Đồng Thành đã được khách hàng lựa chọn từ nhiều năm trước, bởi chất lượng đảm bảo, quả đẹp, giá bán luôn ở mức cao. Khi được Nhà nước cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh tạo thuận lợi lâu dài, bởi sản phẩm cam ở đây sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh, người tiêu dùng yên tâm khi chọn mua sản phẩm.
Sau khi Yên Thành có 5 xã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh vào giữa tháng 10/2019, gồm: Minh Thành, Trung Thành, Nam Thành, Đồng Thành và Xuân Thành, tới đây huyện có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người nông dân làm đúng tiêu chí được quy định khi muốn sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý.
Yên Thành là một trong những địa phương trồng cam khá nhiều, với gần 300 ha hiện có, chủ yếu là cam Xã Đoài lòng vàng và đã khẳng định được “thương hiệu” từ nhiều năm trước. Hàng năm, diện tích cam Yên Thành tăng, nhất là tại các vùng ven đồi, chân lèn. Trồng cam bình quân cho thu nhập 300 – 400 triệu đồng/ha/năm.