Những năm gần đây, tỉnh Sơn La chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, vừa đảm bảo chống được sự xói mòn, sạt lở của địa hình, vừa đảm bảo được bài toán kinh tế, giúp người dân nhanh chóng xóa đói giảm nghèo.
Chủ trương đúng
Nhiều năm trước đây, tại tỉnh Sơn La cây ngô, cây sắn được coi là cây chủ lực, giúp người dân thoát nghèo. Nhưng vào thời điểm này những đồi ngô, sắn đã được thay bằng những vườn cây ăn quả trải dài dọc quốc lộ 6.
Đường vào các trang trại trồng xoài ở Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn
được trải bê tông, thuận lợi cho các thương lái vào thu mua – Ảnh: Hoàng Mẫn
Nguyên nhân của sự thay đổi là do cây ngô, sắn mất giá, người nông dân bắt đầu bỏ hoang đất đồi. Trước thực trạng ấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất dốc sản xuất lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả lâu năm như xoài, nhãn, bưởi, cam, na… Chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc như luồng gió mới làm thay đổi những nhận thức của nông dân và các cấp, các ngành trong tỉnh. Thống nhất chủ trương, ngành nông nghiệp bắt tay triển khai tổ chức thực hiện, ngành tuyên giáo tích cực tuyên truyền để chủ trương sớm đi vào cuộc sống.
Đồng chí Mai Thu Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Từ chủ trương của tỉnh, hai năm qua, tỉnh Sơn La đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từ việc phổ biến chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con, đến việc quảng bá, giới thiệu các mô hình điểm, có hiệu quả để bà con nông dân tham khảo, mày mò, học tập cách làm và lựa chọn các loại giống cây trồng sao cho phù hợp với địa bàn, khí hậu, thổ nhưỡng của từng huyện.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã phổ biến và quán triệt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc đến cán bộ, nông dân. Công tác tuyên truyền đã động viên các tầng lớp nhân dân phát huy sáng kiến, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, vươn lên làm giàu. Những gương nông dân điển hình về phát triển sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều và được cổ vũ kịp thời, tạo nên sức sống mới ở nhiều địa phương. Cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp cũng luôn bám sát đời sống, sản xuất và mọi mặt hoạt động của người nông dân ở những huyện đang đang có chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Phân công cán bộ tuyên truyền nắm bắt thông tin, nhu cầu của người dân, kịp thời phản ánh cho cấp ủy, cán bộ các cấp về tình hình đời sống và canh tác của bà con.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, tại các địa phương, ban thường vụ huyện ủy, thành ủy chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát cụ thể diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc, cây công nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có trọng điểm và lộ trình phù hợp với diện tích hợp lý; phối hợp với các ngành của tỉnh đề xuất chủ trương, chính sách triển khai thực hiện. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các loại cây trồng để tập trung hỗ trợ đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ.
Ông Nguyễn Bá Tân, một trong những người đầu tiên đưa xoài ghép về trồng trên đất Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn cũng là người gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền bà con sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt để bảo vệ môi trường – Ảnh: HM
Ðể giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, trong đó trọng điểm là các loại cây ăn quả, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu là “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018” tại TP Hà Nội gồm nhiều chuỗi sự kiện, đã góp phần quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn Sơn La và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tới thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản tại siêu thị, chợ đầu mối; tạo điều kiện cho người dân cả nước có cơ hội được tiếp cận với nông sản của Sơn La.
Cũng nhờ việc tuyên truyền rộng rãi, phổ biến mô hình, cách làm hay, hiệu quả tuyên truyền rõ nét được thể hiện trong nhận thức của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, dẫn đến hành động thực tiễn là làm thay đổi phương thức sản xuất của một bộ phận người dân từ sản xuất nhỏ, manh mún dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ…
Hiệu quả bước đầu
Chia sẻ lý do người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, đồng chí Nguyễn Sơn Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mai Sơn cho biết: “Từ khi có Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, thử nghiệm lai, ghép một số giống xoài Đài Loan, trồng bưởi Diễn, cam và chuối xen kẽ trên diện tích đã canh tác. Sau một thời gian nhận thấy hiệu quả cao các hộ dân bắt đầu học hỏi nhau để cùng làm, diện tích cây ăn quả ở huyện ngày càng được mở rộng”.
Là người đầu tiên mang cây xoài về lai ghép trên bản Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, ông Nguyễn Bá Tân, Tiểu khu 10 chia sẻ: “Vùng đất này trước đây trồng ngô, bao công sức đổ xuống trên từng mảnh nương nắng gắt, nhưng người dân vẫn không thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Vì vậy, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng xoài. Sau 3 năm vườn xoài 20 ha lai ghép trên gốc cũ đã cho thu hoạch mỗi năm trên 200 tấn quả giúp gia đình có lợi nhuận cao. Tùy giá từng năm, nguồn lợi từ cây xoài cao hơn rất nhiều so với các loại cây khác”.
Hiện trong xã hết quỹ đất, các con ông Tân phải đi đến những xã khác tìm thuê đất đồi để trồng xoài, trồng bưởi. Không chỉ tiên phong mang cây xoài về Noong Xôm, ông Tân còn là người rất chú trọng đến việc tạo ra những vườn cây ăn quả sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Bản thân ông không sử dụng các loại thuốc độc hại để phun cho cây mà hoàn toàn là các chế phẩm sinh học, dùng theo đúng liều lượng quy định.
“Vùng Mai Sơn được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu hợp với việc trồng xoài, và cam, bưởi… Thế nhưng nếu không chăm chút cho đất thì rồi đất cũng cằn. Bởi vậy tôi luôn bảo các con mình, cũng như các hộ dân trồng xoài phải thường xuyên bổ sung dinh dưỡng cho đất”. Vừa nói, vừa bốc nắm đất trên tay, ông Tân cho biết: “Thay vì dùng thuốc diệt cỏ, tôi dùng máy cắt cỏ rồi để cỏ lại trên nền đất, cỏ sẽ trở thành phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất. Trồng cây ăn quả chính là một trong những cách tốt nhất để trả lại màu xanh cho đất, giảm lũ lụt, khô hạn”.
Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn vốn là mảnh đất nghèo, khô cằn sỏi đá. Người dân nơi đây đã từng chật vật tìm hướng thoát nghèo từ cây ngô, cây sắn, cây hương nhu, cây mía, hay cây cà phê. Chiềng Ban là một trong những xã đầu tiên của Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới, là điểm sáng trong việc phát triển các loại cây ăn quả có múi, xen với cây công nghiệp, giúp bà con nơi đây thu tiền tỷ từ mỗi hecta đất.
Đồng chí Phạm Yên Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ban cho biết: Toàn xã Chiềng Ban hiện có 160 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó có gần 40 ha trồng cam tập trung ở các bản: Hoa Mai, Bản Củ 2, Huổi Khoang, bản Sàng. Chiềng Ban xác định cây cam là cây trồng có lợi thế trong số các cây ăn quả có múi cần khuyến khích phát triển.
Thăm mô hình trồng cam của nông dân Đào Đức Năm, ở bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban mới thấy rõ hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Ông Năm cho biết: Trước đây, gia đình ông trồng cà phê. Năm 2013, sau một đợt sương muối, 90% diện tích cà phê đã bị chết khô. Không nản chí, ông đã tham quan học hỏi từ nhiều mô hình trồng trọt khác trong và ngoài tỉnh, rồi mạnh dạn mua 1.200 cây giống cam đường, bưởi về trồng trên diện tích 1,4 ha đất. Bởi đây là loại cây chịu được sương muối và thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Năm đầu tiên, ngày nào ông Năm cũng có mặt ở ngoài vườn bổ gốc, xới đất, làm cỏ, bón phân, nghiên cứu tự làm hệ thống nước tưới nhỏ giọt theo mô hình tưới ẩm Israel. Đất không phụ công người. Chỉ sau 2 năm trồng, lứa cam đầu tiên đã cho thu hoạch. Năm 2018, gia đình ông thu hoạch 20 tấn cam và 3.000 quả bưởi da xanh, thu về trên 500 triệu đồng.
Để tránh tình trạng được mùa – rớt giá, Phó phòng Nông nghiệp, UBND huyện Mai Sơn Nguyễn Trung cho biết: UBND huyện vừa trực tiếp, vừa phối hợp với các cơ quan như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh… tuyên truyền cho người dân không đua theo nhau trồng một loại cây ăn quả mà phải đa dạng, theo vùng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Trung tâm Khuyến nông huyện cũng mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc cho bà con nông dân; hướng dẫn bà con nông dân cách thức trồng cây theo tiêu chuẩn sạch.
Không được thiên nhiên ưu đãi như huyện Mai Sơn, nằm cách thành phố Sơn La 40 km, huyện Mường La có diện tích địa hình bị chia cắt bởi các con sông, suối lớn, núi cao đồi dốc. Cuộc sống của nhân dân trong huyện còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường La luôn xác định giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã được triển khai mạnh mẽ, lồng ghép với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa. Trong đó, huyện tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát huy thế mạnh của từng xã, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tập quán sản xuất của người dân.
Theo đồng chí Lò Văn Tưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường La: Thời gian qua, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện 5.319 ha, trong đó cây ăn quả 3.244 ha, sản lượng quả tươi đạt 13.247 tấn. Huyện đã hỗ trợ các hộ ghép mắt cải tạo, mô hình trồng mới cây ăn quả theo Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La số tiền 600 triệu đồng trên địa bàn 07 xã, thị trấn; Phối hợp với Công ty cổ phần Nasfood Tây Bắc tổ chức Hội nghị đánh giá tiềm năng cây chanh leo trên địa bàn huyện; xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến quả sơn tra cung ứng cho Nhà máy TH…
Cùng với đó, huyện cũng chú trọng khuyến khích nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 139 ha, đạt 100,6% kế hoạch. Các dự án nuôi cá lồng tại các điểm tái định cư thuộc dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần từng bước tăng số hộ nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi lồng bè; đến nay toàn huyện có 791 lồng cá, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản trong năm đạt 655 tấn.
Qua giới thiệu của cán bộ huyện, chúng tôi đến xã Mường Bú, huyện Mường La, nơi đây không chỉ nổi tiếng với những loại quả như nhãn, xoài, bưởi da xanh, mà hiện Mường Bú được nhiều người biết đến với giống táo đại.
Chủ tịch xã Mường Bú Trần Đình Tuấn phấn khởi cho biết: Năm 2018, bà con trong xã phấn khởi vì táo được mùa, được giá, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu bán cho hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Anh Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX Đoàn Kết, xã Mường Bú cho biết: Tuy mới thành lập nhưng HTX Đoàn Kết hiện có 800ha trồng cây ăn quả từ xoài, nhãn, táo… HTX đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của các hộ dân; HTX đã giúp chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, mang lại năng suất, chất lượng cao.
Theo báo cáo của tỉnh Sơn La, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, toàn tỉnh Sơn La đã chuyển đổi được gần 4.500 ha đất trồng ngô, lúa nương, sắn sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, Sơn La có hơn 44.668 ha trồng cây ăn quả như: Nhãn, xoài, bơ và các loại cây ăn quả có múi. Nhiều hộ nông dân ở huyện Thuận Châu chỉ có 6.000 m2 diện tích trồng chanh leo trên đất dốc, mỗi tuần thu hoạch được 1 tấn quả, giá bán 20.000 đồng/kg, thu về 20 triệu đồng, bằng cả năm trồng ngô.
Hiện, tỉnh Sơn La đang tiếp tục rà soát và ban hành đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; xây dựng các chuỗi giá trị gắn với vùng sản xuất an toàn tập trung, nhằm kết nối các thị trường trong nước, từng bước khai thông và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh từ cây ăn quả./.