Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân trên địa bàn huyện Châu Phú (An Giang) luôn trăn trở, tìm tòi những giống cây trồng, vật nuôi mới để phát triển sản xuất, phù hợp với điều kiện địa phương. Gần đây, ông Nguyễn Hữu Thành (ấp Khánh Đức, xã Khánh Hòa, Châu Phú) đã trồng thử nghiệm cây sung mỹ, hiện đang thu hoạch, bước đầu hiệu quả kinh tế khả quan.
Từ đất trồng lúa kém hiệu quả, tháng 8-2019, ông Nguyễn Hữu Thành đã cải tạo 16 công đất để lập vườn trồng cây nhãn. Thông thường, cây nhãn trồng khoảng hơn 2 năm mới bắt đầu thu hoạch trái, do đó, trong thời gian chờ cây nhãn phát triển, ông Thành mua thêm cây giống sung mỹ trồng xen tại vườn nhãn, nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, ổn định kinh tế gia đình.
Mặc dù chưa có kinh nghiệm trong việc canh tác cây sung mỹ nhưng nhờ loại cây này dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản, ít sâu bệnh nên dựa vào những kiến thức bản thân tìm hiểu được, ông Thành không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc.
Sung mỹ là loại cây lâu năm nhưng cho trái rất sớm và rất sai, cây có thể phát triển chiều cao đến vài mét, có tán rộng. Đặc biệt, trồng sung mỹ chỉ cần đầu tư cây giống năm đầu tiên, cây sẽ phát triển và thu hoạch liên tục nhiều năm sau đó.
Dẫn chúng tôi tham quan những cây sung mỹ đang sai trái trong khu vườn của mình, ông Thành chia sẻ: “Những cây sung này khi mới mua về chỉ cao khoảng 10cm, có giá 200.000 đồng/cây. Loại này không khó trồng, sau khi đặt cây con xuống đất thì chăm sóc, tưới nước cho cây phát triển, rễ bám đất. Khi trồng được khoảng 2 tháng thì bón phân hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, khoảng hơn 4 tháng bắt đầu ra trái non, đến tháng thứ 5 những trái sung lớn bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu vàng đỏ hoặc màu tím sậm là có thể thu hoạch. Khi thu hoạch sung mỹ nên hái trái vào sáng sớm và để nơi thoáng mát, trái sẽ tươi lâu hơn”.
Sau hơn 5 tháng chăm sóc, đến nay 150 gốc sung mỹ vườn nhà ông Thành đang cho trái rất sai, mỗi ngày ông thu hoạch từ 5-6kg trái, bán cho người mua ở TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và người dân ở xã Mỹ Đức với giá 150.000 đồng/kg. Trái sung mỹ chín lớp vỏ bên ngoài rất mỏng, thịt mềm thơm, mọng nước, ăn có vị ngọt thanh; trái sung mỹ có thể ăn tươi, sấy khô đóng hộp hoặc làm mứt.
Theo quan sát của chúng tôi, sung mỹ ra trái dưới mỗi nách lá, chứ không mọc thành chùm như những cây sung thông thường. Trung bình khoảng 20 trái đạt trọng lượng 1kg, có trái to gần bằng nắm tay. Ngoài chăm sóc sung mỹ để thu hoạch trái, đối với những cây khỏe, phát triển tốt, ông Thành còn tiến hành các khâu như: chiết cành, tạo cây con để cung cấp cho người có nhu cầu trồng sung mỹ. Ngoài ra, ông Thành đang học tập kinh nghiệm và thực hiện các thủ tục, điều kiện để đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến cung cấp sản phẩm sung mỹ vào siêu thị.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa Lê Văn Dũng cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do huyện đề ra, UBND xã Khánh Hòa đã tuyên truyền, vận động và khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi từ những mô hình sản xuất kém hiệu quả sang những mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao hơn, mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình.
Mô hình trồng cây sung mỹ được thực hiện đầu tiên tại ấp Khánh Đức và những kết quả bước đầu mang lại tương đối khả quan. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất và sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ nông dân trong việc tìm nguồn cây giống, kỹ thuật canh tác…”.
Cây sung mỹ thuộc họ dâu tằm (có tên khoa học là Ficus carica) hay còn gọi là sung đường, sung ngọt. Đây là giống cây ôn đới nhưng được lai tạo để thích hợp trồng ở điều kiện khí hậu của Việt Nam. Trái sung mỹ được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ vì hương vị ngon ngọt, mà còn vì chúng có nhiều thành phần dinh dưỡng như: chất xơ, sắt, kali, can-xi, magie, phốt-pho và vitamin, có ích cho sức khỏe. |